Theo kế hoạch, sẽ đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư, nâng cấp và mở rộng các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện để kết nối giữa các địa bàn trong tỉnh; các tỉnh lộ huyết mạch; các dự án phục vụ kết nối vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm.
Trong đó, tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn có tính kết nối và lan tỏa đối với phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng, như: Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, cao tốc Nha Trang - Liên Khương, cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột; QL 28, QL 28B, QL 27, QL 27C, QL 55, QL 55B, QL 20; tuyến đường kết nối Cảng hàng không Liên Khương với tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; tuyến đường kết nối cảng cạn Đức Trọng; các tuyến đường tỉnh; tuyến vành đai đô thị Đà Lạt, Đức Trọng; tuyến kết nối Liên Nghĩa - Thạnh Mỹ…
Kế hoạch cũng đầu tư các dự án cấp điện phục vụ sản xuất, trọng tâm là các đô thị; khu, cụm công nghiệp; khu, điểm du lịch đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Cùng với đó, ưu tiên đầu tư trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích đặc biệt của quốc gia trên địa bàn và các di tích của tỉnh; các thiết chế văn hóa mang đậm bản sắc vùng Tây Nguyên, các công trình thể thao trọng điểm.
Kế hoạch nêu rõ, khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, năng lực tài chính mạnh, khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ; không thu hút các dự án FDI hiệu quả thấp, thâm.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm là 8,5% - 9% trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong cả thời kỳ 2021 - 2030 cho tỉnh Lâm Đồng khoảng 757.548 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn là 269.082 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 488.466 tỷ đồng.