Khảo sát gần đây của tổ chức này cho thấy hiện đang có gần 1/6 dân số Việt Nam được xếp vào tầng lớp trung lưu toàn cầu (có chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD mỗi ngày). Nhóm này còn được bổ sung trung bình mỗi năm là 1 triệu người. Thực tế này sẽ góp phần điều chỉnh mạnh xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới.
Theo đó, nhóm này sẽ ưu tiên tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng tốt hơn, tiện lợi hơn. Việc mua hàng tại hệ thống chợ truyền thống sẽ giảm mạnh, thay vào đó là mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi, kênh phân phối hiện đại, mua hàng online và thương mại điện tử. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng cũng như hình thức bao bì sản phẩm. Với hệ thống bán lẻ, việc phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ tiện lợi, trung tâm thương mại đa năng, siêu thị tích hợp nhiều hoạt động tiện ích sẽ được xem là chiến lược đầu tư cần thiết để thu hút và giữ chân khách hàng.
Ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành của Infocus Mekon, nhấn mạnh, dù dịch Covid-19 đang tác động đến nhiều ngành nghề nhưng ngành mua sắm trực tuyến, thực phẩm chế biến vẫn được dự báo là có tiềm năng phát triển mạnh. Do vậy, cùng với xu hướng tiêu dùng trên, các doanh nghiệp cần nỗ lực chuyển đổi mình để phát triển bền vững. Riêng về hệ thống bán lẻ, tuy thương mại điện tử hiện chỉ chiếm 5% giá trị bán lẻ trong năm 2019, nhưng hiện nay con số đó đã thay đổi nhanh chóng khi có đến 76% người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong vòng 3 tháng qua.