Nhu cầu nhân lực ngành sức khỏe và sư phạm luôn ở mức cao

Rất nhiều câu hỏi, băn khoăn đã được phụ huynh, thí sinh và bạn đọc gửi đến các chuyên gia trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những lưu ý về tuyển sinh nhóm ngành sức khỏe và sư phạm” do Báo SGGP tổ chức ngày 30-5. Đây là 2 nhóm ngành đặc thù, có tính cạnh tranh cao và có rất nhiều quy định chung lẫn riêng trong cách thức xét tuyển của từng trường.

#1b.jpg
Sinh viên ngành Dược học Trường Đại học Công nghệ thực hành tại phòng thí nghiệm

Tìm hiểu kỹ thông tin

Giải đáp câu hỏi của bạn Ngô Đình Linh (Đồng Nai) về đề án tuyển sinh trường công bố ngày 29-5 với ngành Điều dưỡng có chỉ tiêu 300, đứng thứ 2 sau ngành Y khoa, TS-BS Hồ Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo đại học, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết: Trong quá trình xây dựng đề án tuyển sinh, trường tham khảo ý kiến của các bên liên quan, trong đó có Sở Y tế TPHCM, về nhu cầu tuyển dụng nhân lực nhóm ngành sức khỏe của TPHCM. Nhu cầu về ngành Điều dưỡng trong những năm tới luôn ở mức cao hơn (khoảng 2,1 lần) so với năng lực đào tạo thực tế của nhà trường. Bên cạnh đó, nhu cầu về bác sĩ (Y khoa) cao hơn nhiều so với ngành Điều dưỡng.

Cùng với đó, theo đề án tuyển sinh đại học của trường năm 2024 có một số điểm mà thí sinh cần lưu ý: chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay có thay đổi ở một số ngành; trường bổ sung 1 ngành tuyển mới là Cử nhân hộ sinh; trường bổ sung 1 số tổ hợp môn xét tuyển như A00, B03 đối với một số ngành, bên cạnh tổ hợp môn truyền thống B00. Ngoài ra, thí sinh cũng cần xác định đúng nhóm đối tượng đăng ký theo từng mã ngành.

Thông tin về tuyển sinh nhóm ngành sức khỏe cho bạn Lý Công Anh (Đồng Nai), Th.S Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, chia sẻ: Năm 2024, trường tuyển sinh nhóm ngành sức khỏe bao gồm ngành Dược học, ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, ngành Điều dưỡng. Mỗi ngành sẽ có điều kiện và mức điểm xét tuyển khác nhau. Nếu muốn xét tuyển vào một trong những ngành trên, thí sinh cần tìm hiểu rõ thông tin trong đề án mà trường đã công bố.

#1c.jpg
Các chuyên gia đang trả lời câu hỏi tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những lưu ý về tuyển sinh nhóm ngành sức khỏe và sư phạm” do Báo SGGP tổ chức ngày 30-5. Ảnh: THANH HÙNG

Trong khi đó, xung quanh việc hỗ trợ cho sinh viên khó khăn được bạn đọc Trần Ngọc Linh (Long An) đặt câu hỏi, Th.S Trương Quang Trị, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thông tin: Hiện nay, các ngành khối sức khỏe, nhất là các ngành Y khoa, Răng hàm mặt, Dược học, có mức học phí tương đối cao vì các trường phải tính đúng, tính đủ cho chi phí đào tạo.

Tuy nhiên, nhà trường cũng có nhiều chính sách học bổng để hỗ trợ sinh viên trong năm 2024. Cụ thể như Học bổng khuyến học, Học bổng tiếp sức tới trường, Học bổng dành cho nữ sinh, Học bổng tài năng, Học bổng nâng bước thủ khoa. Ngoài các gói học bổng trên, nhà trường có nhiều suất học bổng dành cho sinh viên nghèo vượt khó, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc trong suốt khóa học…

“Khát” giáo viên

Một giáo viên Trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: “Sinh viên ngành Sư phạm hiện nay được hưởng những chính sách nào của Nhà nước, những chính sách này mặc nhiên được hưởng hay phải đăng ký và cam kết?”.

Giải đáp thắc mắc này, Th.S Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết: Đây là thông tin được nhiều thí sinh gửi đến nhà trường trong năm nay. Hiện nay, các em trúng tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên (cần lưu ý là chỉ các ngành đào tạo giáo viên, vì trong khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo dục còn có các ngành khác không phải là đào tạo giáo viên, nhưng vẫn hay gọi chung là sư phạm) sẽ được hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Sau khi thí sinh trúng tuyển thì trường sẽ tổ chức cho thí sinh đăng ký hưởng chính sách này. Ngoài ra, đối với sinh viên sư phạm, hiện nay, trong quá trình học tập, các em có hoàn cảnh khó khăn và chịu khó vươn lên trong học tập sẽ có cơ hội được nhiều cơ quan, tổ chức xã hội hỗ trợ học bổng, hỗ trợ điều kiện học tập.

Theo Bộ GD-ĐT, trong năm 2024, ở hai nhóm ngành sức khỏe và sư phạm, đối với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ quy định về điểm sàn sau khi có kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đối với nhóm ngành sức khỏe, các ngành Dược học, Răng hàm mặt..., các trường sử dụng phương thức xét tuyển sớm (học bạ, điểm các kỳ thi riêng) phải tuân thủ theo các quy định của Bộ GD-ĐT. Riêng với chỉ tiêu các ngành sư phạm, các trường đăng ký và Bộ GD-ĐT sẽ duyệt, giao chỉ tiêu sau khi căn cứ vào nhu cầu thực tế của các địa phương.

Tìm hiểu nhu cầu về ngành Sư phạm mầm non, bạn Quốc Hùng (quận 11, TPHCM) muốn biết chỉ tiêu tuyển sinh, nhu cầu tuyển dụng của TPHCM và một số tỉnh, thành phố năm 2024 như thế nào. Th.S Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, thông tin: Chỉ tiêu các ngành sư phạm của nhà trường hiện đang chỉ là dự kiến, vì đang chờ Bộ GD-ĐT phê duyệt đăng ký. Trong đó, ngành Giáo dục mầm non là 370 chỉ tiêu (gồm 200 chỉ tiêu ở cơ sở chính, 100 chỉ tiêu ở phân hiệu Long An, 70 chỉ tiêu dành cho trình độ Cao đẳng ở phân hiệu Long An). Có thể nói, hiện nhu cầu giáo viên mầm non là rất lớn, ví dụ tại TPHCM, mỗi năm nhu cầu tuyển dụng khoảng hơn 1.200 giáo viên. Trong khi đó, tại các địa phương khác trong khu vực Đông Nam bộ, ĐBSCL, nhu cầu giáo viên mầm non cũng rất lớn.

#4e.jpg
Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức

Thông tin với bạn Ngô Mỹ Trang (huyện Bình Chánh, TPHCM) về câu hỏi: “Khi học ngành Sư phạm mầm non ở trường ĐH tư, em có được hưởng chính sách miễn học phí và trợ cấp sinh hoạt phí hàng tháng không?”, Th.S Trương Quang Trị, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay: Khi theo học ngành Sư phạm mầm non tại trường, sinh viên sẽ được lựa chọn theo 2 hình thức: sinh viên được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, với cam kết phải chấp hành theo sự phân công công tác trong ngành khi tốt nghiệp; sinh viên tự đóng học phí và không nhận hỗ trợ. Như vậy, sinh viên sẽ có sự lựa chọn để phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình.

Tin cùng chuyên mục