Theo người đứng đầu chính sách an ninh và đối ngoại của EU, tình hình thay đổi trên khắp thế giới đã khiến an ninh và ổn định của châu Âu gặp nguy hiểm, vì vậy việc mở rộng sẽ là một khoản đầu tư cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Mối quan tâm sống còn của EU là làm việc và hợp tác chặt chẽ nhất có thể với 6 quốc gia ở Tây Balkan, những thành viên tương lai của EU nhằm chống lại các mối đe dọa an ninh mạng và tăng cường khả năng phục hồi. Đây là mục tiêu chiến lược chung nhằm đoàn kết cả khu vực và EU.
Tại hội nghị này, EU đã công bố gói hỗ trợ mới trị giá 1,8 triệu EUR dành cho Albania, Montenegro và Bắc Macedonia để đối phó với các mối đe dọa trên không gian mạng.
EU đang cố gắng vực dậy toàn bộ quá trình mở rộng khối vốn bị đình trệ kể từ năm 2013, khi Croatia trở thành thành viên mới. Kể từ đó EU đã không thể kết nạp thêm thành viên mới trong bối cảnh khối này phải đối phó với khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19. EU đang trong quá trình đàm phán từ nhiều năm với một số nước Tây Balkan, nhất là Serbia và Montenegro. Theo sau đó là Albania và Macedonia vào năm ngoái, trong khi Bosnia-Herzegovina và vùng lãnh thổ Kosovo mới chỉ ở bước đầu tiên của quá trình.
Hội nghị thượng đỉnh là cơ hội để tái khẳng định quan điểm tư cách thành viên Tây Balkan trong EU cũng như sự cần thiết của các đối tác để đạt được những cải cách lâu dài và không thể đảo ngược, dựa trên các giá trị và nguyên tắc của EU.