Nhu cầu lao động cuối năm giảm mạnh

Thị trường lao động trên địa bàn TPHCM đang sụt giảm 34% so với cùng kỳ. Bước vào đợt cao điểm cuối năm 2020, thị trường lao động tuy có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn giảm 21% quy mô tuyển dụng so với cuối năm 2019, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Người lao động làm thủ tục thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM
Người lao động làm thủ tục thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM

Tỷ lệ thất nghiệp tăng 24%

Những ngày này, ông Hòa Hán Bang (37 tuổi, quận Bình Tân) đang tìm kiếm công việc để gắn bó lâu dài. Ông Bang có 10 năm kinh nghiệm làm nhân viên kho vận. Tuy nhiên, năm 2020, ảnh hưởng dịch Covid-19, ông Bang mất việc, phải nhận trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Không chỉ riêng ông Bang rơi vào cảnh mất việc, trên địa bàn TPHCM, 9 tháng đầu năm 2020 đã có gần 158.500 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN.

Theo bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM (gọi tắt là trung tâm), tỷ lệ người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN 9 tháng đầu năm 2020 tăng 24% so với cùng kỳ. Trung tâm có lượng hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất trong 63 tỉnh, thành, chiếm 1/5 số lượng hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp cả nước. Ngoài văn phòng chính tại quận Bình Thạnh, trung tâm còn có 6 chi nhánh tại các quận 4, 6, 9, 12, Tân Bình và huyện Củ Chi. Trung bình mỗi ngày, các điểm tiếp nhận cả ngàn người đăng ký hưởng TCTN.

Kết quả khảo sát nhu cầu nhân lực của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) tại gần 16.800 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM cho thấy, gần 70% DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng Covid-19.

Ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc phụ trách Falmi, cho hay, nhiều DN hoạt động công suất rất thấp. Họ gặp khó khăn về tài chính, phải cho lao động làm việc luân phiên, nghỉ không hưởng lương hoặc chấm dứt hợp đồng. Trong đó, nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực - thực phẩm, hóa chất - nhựa cao su), chiếm 14,4% tổng nhu cầu và giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Với thị trường lao động trung và cao cấp, Navigos Group thống kê, nhu cầu tuyển dụng đang giảm 23,5% so với cùng kỳ. Ngành dệt may đặc biệt giảm sâu. Nhân sự ngành này đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao ngay khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Sự sụt giảm là do sức tiêu thụ hàng dệt may tại các thị trường giảm, nhiều DN trong ngành phải chuyển sang may khẩu trang và trang phục bảo hộ y tế. Vì thế, người lao động trong ngành này đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao. 

Hỗ trợ DN, người lao động vượt khó

 Theo bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe, khi dịch Covid-19 ập đến, khoảng 40% DN Việt Nam thừa nhận chi phí trả công lao động là gánh nặng lớn. Bức tranh cắt giảm lao động trong 6 tháng đầu năm 2020 là chưa từng có tiền lệ. Những tháng cuối năm 2020, xu hướng “tinh giản nhân lực theo lộ trình” vẫn tiếp tục để giảm thiểu chi phí.

Trước thực tế này, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho hay, sở có nhiều phương án định hướng việc làm cũng như một số hoạt động hỗ trợ DN, người lao động vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Trong đó, phương án tối ưu nhất là tổ chức cho những lao động thất nghiệp được học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Sở cũng tăng cường mở sàn giao dịch việc làm giúp người lao động tìm kiếm được việc làm mới phù hợp.

Song song đó, các DN đang dần khởi động, lên kế hoạch tuyển dụng lao động mới để phục vụ cho đợt sản xuất cao điểm cuối năm. Sở LĐTB-XH TPHCM cũng tập trung duy trì việc làm của người lao động tại các DN, thông qua các biện pháp hỗ trợ của thành phố đối với những DN đang cố gắng giữ người lao động. Cùng với đó, tổ chức đối thoại xã hội giữa người lao động với DN, DN với người lao động và cơ quan nhà nước để tìm ra các biện pháp nhằm giảm thiểu khả năng tác động của Covid-19 đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đồng thời tạo niềm tin, sự tín nhiệm vào chính sách, các biện pháp mà Chính phủ, TPHCM và DN đang thực hiện.

Những tháng cuối năm, ông Đỗ Thanh Vân đánh giá, thị trường lao động TPHCM sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, cả khu vực chính thức và phi chính thức. Thị trường có dấu hiệu dần phục hồi. Tuy nhiên, nhu cầu việc làm vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Quý 4-2020, TPHCM cần 62.000 - 65.000 việc làm (giảm 21% so với cùng kỳ). Nhu cầu việc làm tập trung ở các nhóm nghề:  kinh doanh - thương mại, dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, chế biến lương thực - thực phẩm, dịch vụ phục vụ, công nghệ thông tin - bưu chính - viễn thông, điện - điện tử - điện lạnh… Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85%. Trong đó, nhu cầu về trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp lần lượt là 20%, 20%, 31% và 14%.

Để người lao động giảm bớt thời gian chờ đợi khi làm thủ tục hưởng TCTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM phối hợp với VNPT TPHCM triển khai cho người lao động đăng ký số thứ tự làm thủ tục hưởng TCTN qua Tổng đài 1080. Trung tâm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính và triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 giúp người lao động thuận tiện đăng ký hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Tin cùng chuyên mục