Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất khuôn mẫu trong nước được đầu tư về công nghệ, máy móc, nhân lực còn mang tính đơn lẻ, chưa thể xây dựng thị trường cung cấp bền vững.
Chưa đáp ứng thị trường
Hiện trong ngành công nghiệp khuôn mẫu có những doanh nghiệp lớn như Duy Khanh, Lập Phúc, Duy Tân, Cát Thái, Minh Đạt, Phú Vinh, Minh Nguyên... nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Ông Châu Bá Long, Giám đốc điều hành Công ty Minh Nguyên, cho biết hiện doanh thu của công ty từ việc cung cấp khuôn mẫu cho Samsung ước chừng 15 triệu USD/năm, chỉ chiếm 1% nhu cầu của Samsung. Hiện nay, các doanh nghiệp khuôn mẫu Việt Nam chỉ đủ sức sản xuất cấp độ 3, 4; còn nhập khẩu cấp độ 1, 2.
Nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư bài bản và đồng bộ nên có những khuôn mẫu khá đơn giản cũng chưa thể sản xuất được. Như cản trước của xe hơi, nhìn thì dễ nhưng phải có máy móc và nguyên liệu an toàn song song với quy trình sản xuất, thiết kế, mua nguyên liệu và phụ liệu…
“Doanh nghiệp khuôn mẫu phát triển đến đâu đầu tư đến đó nên hệ thống không đồng bộ, ít có doanh nghiệp am hiểu và tuân thủ các điều kiện về nhà xưởng, công nghệ (nhất là công nghệ có độ chính xác cao cỡ 0,001mm), môi trường làm việc, không chủ động nguyên liệu đầu vào, chất lượng nguyên phụ liệu, tỷ lệ hao phí nguyên liệu trong quá trình sản xuất cao, thời gian làm khuôn lâu…”, ông Châu Bá Long nói thêm.
Điều này tương đồng với những khó khăn mà đại diện Công ty Minh Nguyên chia sẻ: “Hiện nhiều nhà sản xuất thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa có trung tâm đào tạo chuyên nghiệp về khuôn mẫu, giáo trình không thống nhất, không cập nhật, thiếu thực tế, kỹ năng, học nhiều hơn thực hành, muốn tuyển dụng phải đào tạo lại từ 2-3 năm”.
Theo hướng tự động hóa
Ông Young Moo Heo (Công ty Kitech, Hàn Quốc) cho biết: Tại Hàn Quốc, các doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất khuôn mẫu để cung cấp cho doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực như xe hơi, hàng không, bán dẫn, điện tử, kỹ thuật số, gia dụng... Ngành khuôn mẫu Hàn Quốc phát triển từ năm 1959 bằng việc tiếp nhận sửa chữa, bảo hành.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã học được nhiều kinh nghiệm và tiến bộ khoa học về chế tạo khuôn mẫu. Năm 1980, Hàn Quốc đặt ra những quy chuẩn khuôn mẫu và đến năm 1990 đã ứng dụng những tiến bộ trong chế tạo khuôn mẫu như NC, CNC; đến năm 2.000 đã quản lý sản xuất khuôn bằng hệ thống tự động.
Năm 2010, Hàn Quốc xuất khẩu 10 tỷ USD hàng khuôn mẫu, chủ yếu dành cho công nghiệp xe hơi. Hàn Quốc cũng đã hình thành những trung tâm sản xuất khuôn mẫu như Busan, Daegu, Seoul, Kyung-gi, Kang Won...
Một chuyên gia về khuôn mẫu khác của Hàn Quốc cho hay, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc chỉ với 10 - 50 người nhưng do đầu tư đồng bộ về công nghệ nên hoạt động ổn định. Ngành khuôn mẫu phát triển nên nhu cầu nhân lực cũng tăng theo.
Nước này đưa những khái niệm sơ đẳng về khuôn mẫu vào nhà trường phổ thông. Trong ngành này, cần phải hiểu nhu cầu của thị trường để đào tạo hợp lý, không phải dạy theo sách giáo khoa đã tồn tại từ nhiều năm trước, giáo dục phải cập nhật thực tế thị trường.
Với ngành công nghiệp này cũng như đứng trước nhu cầu của thị trường, Ban quản lý SHTP đã tìm hiểu năng lực để 2 bên thúc đẩy chuyển giao công nghệ khuôn mẫu Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, đã tìm mô hình Kitech của Hàn Quốc để trình các cơ quan chức năng, tiến tới xây dựng một trung tâm khuôn mẫu tại SHTP. SHTP và Kitech sẽ xúc tiến làm dự án khả thi về mô hình Kitech tại SHTP để thực hiện 3 mục tiêu: nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực theo yêu cầu. Đây được xem như là hướng ra cho ngành công nghiệp khuôn mẫu trong thời gian tới.
Cuộc cách mạng về máy tính điện tử đã có tác động lớn vào nền sản xuất công nghiệp, đặc biệt, trong ngành công nghiệp chế tạo khuôn mẫu hiện đại. Công nghệ thông tin đã được ứng dụng rộng rãi để nhanh chóng chuyển đổi các quá trình sản xuất theo kiểu truyền thống sang sản xuất công nghệ cao. Nhờ đó, các giai đoạn thiết kế và chế tạo khuôn mẫu từng bước được tự động hóa cao. Các nước có nền công nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc đã hình thành mô hình liên kết tổ hợp để sản xuất khuôn mẫu chất lượng cao cho từng lĩnh vực công nghệ khác nhau nhưng phải theo hướng tự động hóa quá trình sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và phát huy tối đa năng lực thiết bị của mình. |