Lộ trình của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) không khuyến khích cấp phép cho các mỏ than mới hoặc mở rộng mỏ than hiện tại; mục tiêu là giảm 11% sản lượng than toàn cầu mỗi năm đến năm 2030 để hạn chế sự nóng lên toàn cầu không quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo ông Ryan Driskell Tate, nhà nghiên cứu tại GEM và là tác giả chính của báo cáo trên, trong khi IEA vừa kêu gọi một bước nhảy vọt về hướng phát thải CO2 bằng 0, kế hoạch mở rộng công suất khai thác than các nhà sản xuất sẽ là một bước lùi. Bà Christine Shearer, Giám đốc Chương trình về than tại GEM và là đồng tác giả của báo cáo, cho biết: “Nếu được thông qua, các dự án mỏ than mới này sẽ tạo ra lượng khí thải tương đương với lượng khí thải hiện tại của Mỹ”.
Các quốc gia có số lượng các mỏ chuẩn bị khai thác lớn nhất là: Trung Quốc, với 452 triệu tấn/năm ở các mỏ than chuẩn bị khai thác và 157 triệu tấn/năm trong quy hoạch khai thác; Australia, với con số tương đương 31 triệu tấn/năm và 435 triệu tấn/năm; Ấn Độ, 13 triệu tấn/năm và 363 triệu tấn/năm; Nga, 59 triệu tấn/năm và 240 triệu tấn/năm. Nếu xét riêng từng dự án than chuẩn bị khai thác thì mỏ Carmichael của Australia là dự án lớn nhất thế giới với 60 triệu tấn/năm. Dự án lớn thứ nhì thế giới và lớn nhất Ấn Độ, là mỏ Siarmal Open Cast ở Odisha với công suất tối đa 50 triệu tấn/năm, thời gian hoạt động là 38 năm. Chính phủ và chính quyền các bang của Ấn Độ sở hữu hơn 82% các mỏ than được đề xuất khai thác.
Từ lâu, Ấn Độ đã có ý định tăng sản lượng than trong nước để giảm nhập than. Với tình hình kinh tế suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ Ấn Độ đã mở cửa lĩnh vực khai thác than cho các công ty trong nước và quốc tế. Nước này cũng vừa khởi động cuộc đấu giá khai thác than lần thứ 2 với 67 khu mỏ than đưa ra đấu giá có khả năng diễn ra từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay. Tổng trữ lượng của các mỏ than này là 36 tỷ tấn. Ấn Độ có trữ lượng than lớn thứ 4 thế giới và là nhà sản xuất than lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc. Với sự chuyển dịch toàn cầu sang năng lượng xanh để giải quyết những lo ngại ngày càng tăng về môi trường, Chính phủ Ấn Độ đang cố gắng kiềm giữ sản lượng khai thác than trong vòng 3 thập niên tới, nhưng áp lực về kinh tế và nhu cầu than đang đè nặng lên mục tiêu này. Nhu cầu than của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng lên 1.123 tỷ tấn vào năm 2023 so với mức hiện tại là 700 triệu tấn.
GME cho biết, quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có thể gây thiệt hại tới ngành khai thác than toàn cầu 91 tỷ USD. Vì vậy, theo GEM, việc cùng lúc dừng quá nhiều dự án khai thác than mới sẽ là một công việc khó khăn. Các dự án này hầu như không nằm ở các nền kinh tế phát triển của Tây Âu hoặc Bắc Mỹ. Năm 2020, Trung Quốc đã khởi động nhiều nhà máy than hơn so với phần còn lại của thế giới, cho thấy than đá vẫn quan trọng như thế nào ngay cả đối với các nền kinh tế phát triển như Trung Quốc.