Nhơn Trạch trước áp lực phát triển hạ tầng

Là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Đồng Nai, giáp với TP Thủ Đức của TPHCM, Nhơn Trạch được quy hoạch là một trong những đô thị vệ tinh của vùng TPHCM.

Nhơn Trạch nhiều năm nay cũng là điểm sáng trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp nhưng đi kèm với đó là áp lực đầu tư về hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước, trường học để đáp ứng nhu cầu an cư cho công nhân, người lao động (NLĐ), nhất là lớp cư dân trẻ đang làm việc tại các KCN trên địa bàn.

Các phương tiện thường xuyên chen chúc, ùn ứ tại ngã ba Nhơn Trạch, đoạn giao tỉnh lộ 25B với QL 51. Ảnh: NÔNG NGÂN
Đi lên từ công nghiệp

Từ TPHCM qua, dọc con đường Tôn Đức Thắng - trục đường chính xuyên qua huyện, hình ảnh những nhà máy với ống khói vươn cao mọc lên san sát của KCN Nhơn Trạch 1 và đi vào phía trong là sự hiện diện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bên những con đường nhựa thênh thang của các KCN Nhơn Trạch 2, Nhơn Trạch 3, Ông Kèo hay KCN D2D chính là hình ảnh đặc trưng của Nhơn Trạch hôm nay. Theo số liệu mới nhất của UBND huyện Nhơn Trạch, toàn huyện có 8 KCN đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 85%, diện tích đã thuê 3.600ha. Việc doanh nghiệp lấp đầy các KCN đã làm cho dân số tăng nhanh, hiện Nhơn Trạch đã có 350.000 người trong đó có đến hơn 90.000 dân tạm trú là NLĐ và đội ngũ chuyên gia trong, ngoài nước đang làm việc tại các KCN tạo nên nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa của huyện. 

Để tạo điều kiện cho NLĐ an cư, một loạt dự án sửa chữa, xây mới trường học được triển khai để tạo điều kiện cho con em NLĐ có đủ chỗ học hành như trường TH Phước Thiền (cơ sở 2), TH Phước Lai, trường MN Đại Phước, MN Long Thọ, THCS Nhơn Trạch. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, tổng kinh phí cho lĩnh vực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp là 257,3 tỷ đồng.

Cùng với đó là đầu tư hạ tầng giao thông đô thị như hoàn thành nâng cấp đường 25B từ điểm giao quốc lộ (QL) 51 đến trung tâm huyện, đường 319 từ ranh KCN đến ngã ba Bến Cam, đường ra cảng Phước An (đoạn nút giao đường 319 đến cao tốc Bến Lức - Long Thành), xây dựng mới cầu Mít trên hương lộ 12. Và một số dự án trọng điểm khác đang thi công như các gói thầu đường 319 nối dài đến cao tốc TPHCM - Long Thành (dài 2,1km) dự kiến đưa vào sử dụng vào quý 3-2021, dự án đường 25C giai đoạn 1 (từ hương lộ 19 đến đường 319); nâng cấp mở rộng các đường số 2, 2A, D9 với tổng vốn đầu tư hơn 2.861 tỷ đồng. 

Từ năm 2015 đến nay, huyện đã đầu tư bê tông hóa 159 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài hơn 55km, tổng vốn gần 112 tỷ đồng; trong đó, tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa đường huyện quản lý, đường trục xã, liên xã đạt 100% và đường trục thôn, xóm đạt 82,48%. 
  
Hoàn thiện để phát triển

Việc thu hút nhiều dự án đầu tư vào công nghiệp sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện phát triển theo hướng giảm nông nghiệp, tăng công nghiệp - thương mại - dịch vụ; đồng thời cũng tạo ra nhiều áp lực, thách thức đối với Nhơn Trạch. 

Đầu tiên là áp lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nội huyện, kết nối với TPHCM và kết nối vùng để tạo thuận lợi cho hàng hóa ở các KCN nhanh chóng đến với các cảng biển trong khu vực như Cát Lái, Phước An, Cái Mép - Thị Vải. Trong khi chờ cầu Cát Lái khởi công thì huyện đang đau đầu với tình trạng ùn ứ, kẹt xe cục bộ diễn ra thường xuyên tại nút giao đường 25B với QL 51 và nút giao tỉnh lộ 769 (từ Cát Lái đi Dầu Giây) với QL 51. 

Thứ hai là công tác quy hoạch xây dựng không theo kịp tốc độ phát triển. Cùng với sự lấp đầy ở các KCN kéo theo nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến các ngành nghề truyền thống trong đó có nuôi trồng thủy sản. Không nuôi tôm, cá được vì nguồn nước ngày càng ô nhiễm trong khi NLĐ có nhu cầu an cư tăng cao nên người dân đã tự cải tạo san lấp ao, xây dựng nhà để ở, mua bán. Tuy nhiên trong quy hoạch sử dụng đất vẫn là đất nuôi trồng thủy sản, đất lúa nên người dân không thể làm giấy tờ chuyển đổi; cũng không được cung cấp điện, nước dù đã ở ổn định nhiều năm. Đó là một thực tế đang diễn ra ở xã Long Thọ và một số xã khác của Nhơn Trạch. 

Thực trạng này đang đòi hỏi chính quyền địa phương huyện, tỉnh phải sớm có kiến nghị điều chỉnh quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ sớm an cư; đồng thời quan tâm giải quyết nhu cầu thiết yếu về điện, nước cho người dân.  

Ông Nguyễn Thế Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cho biết, để giải quyết thách thức về giao thông, trong năm 2022 huyện sẽ có 2 dự án giao thông lớn được khởi công là công trình mở rộng Tỉnh lộ 25B (mở lên 80m) và đường 25C kết nối QL 51 và sân bay Long Thành. Đặc biệt, huyện rất mong công trình cầu Cát Lái được khởi công để tạo thuận lợi cho việc giao thương, đi lại của người dân; làm động lực khởi động các dự án đầu tư, kết nối TPHCM và các tỉnh lân cận với cảng Phước An nhằm tạo điều kiện để phát triển nhanh đô thị vệ tinh Nhơn Trạch.

Tin cùng chuyên mục