Nhơn Trạch nỗ lực di dời trang trại chăn nuôi

Huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) có 118 cơ sở chăn nuôi thuộc quy mô cấp xã với tổng số vật nuôi 1.814 con nằm trong khu quy hoạch các dự án chưa triển khai thực hiện thu hồi đất nhưng vẫn buộc phải di dời.

Tuy nhiên, việc di dời ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế các nông hộ khi người dân gặp khó khăn trong chuyển đổi nghề nghiệp nên huyện Nhơn Trạch đang kiến nghị tỉnh tạm thời không di dời và cam kết sẽ thực hiện di dời cho đến khi dự án triển khai thu hồi đất.

Nhiều cơ sở ngưng chăn nuôi, giảm đàn

Để di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, UBND huyện Nhơn Trạch đã ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 5-4-2023, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp UBMTTQ Việt Nam huyện, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân có cơ sở chăn nuôi thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 30-7-2021 của HĐND tỉnh.

z5621993118117_cf5374e573605f3f30b44f4ac7758ae5.jpg
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ hai từ trái sang) thị sát một trang trại chăn nuôi tại huyện Nhơn Trạch

Ghi nhận của PV Báo SGGP, các cơ sở chăn nuôi thuộc quy mô cấp xã quản lý, quy mô 1-50 con heo, 1-50 con trâu, bò (các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, phục vụ gia đình không thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020). Các hộ chăn nuôi thường tận dụng đất vườn làm chuồng trại, nước thải được thu gom về hồ chứa sau đó sử dụng tưới cho cây trồng, chất thải rắn, phân, được thu gom, ủ hoai làm phân bón cho cây trồng. Hoạt động chăn nuôi trâu bò xa khu dân cư, thường chăn thả khu vực đồng ruộng hoặc khu vực đất quy hoạch phát triển dự án chưa triển khai xây dựng để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Các hộ chăn nuôi cam kết đến năm 2025 chấm dứt hoạt động chăn nuôi trong khu vực quy hoạch khu dân cư, đô thị.

Nhơn Trạch có 7 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn trên 100 con heo thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện, đến nay có 5 cơ sở ngưng chăn nuôi, 2 cơ sở còn lại giảm đàn, cam kết di dời. Đối với trang trại quy mô cấp tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, UBND xã Vĩnh Thanh kiểm tra hộ chăn nuôi Nguyễn Thị Sáng, nuôi heo gia công cho Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam hơn 1.600 con nhưng chưa có thủ tục môi trường. Qua kiểm tra đã yêu cầu hộ bà Sáng ngừng chăn nuôi gia công để hoàn thành các thủ tục theo quy định và đến nay đã ngừng hoạt động chăn nuôi heo, di dời theo quy định.

Theo đánh giá của UBND huyện Nhơn Trạch, nếu như năm 2023, địa phương có 687 cơ sở chăn nuôi thì đến nay số lượng đã giảm đáng kể và không có trang trại chăn nuôi quy mô, chăn nuôi mang tính chất nông hộ. Chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện là quyết liệt thực hiện di dời các hộ chăn nuôi và định hướng không phát triển chăn nuôi vào cơ cấu phát triển kinh tế địa phương và đang chỉ đạo UBND các xã, thị trấn quản lý cơ sở chăn nuôi, theo dõi công tác thực hiện bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, thực hiện di dời hoặc ngưng chăn nuôi trong khu dân cư, khu đô thị theo quy định.

Tháo gỡ khó khăn

Hiện nay, chính sách di dời các hộ chăn nuôi trong các khu dân cư, khu vực không được phép chăn nuôi là cần thiết nhưng chăn nuôi vẫn là nguồn thu nhập chính của một số hộ dân, khi yêu cầu ngừng chăn nuôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế nông hộ. Các cơ sở chăn nuôi tận dụng lực lượng lao động lớn tuổi, lao động thuần nông nên khi áp dụng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm thì hầu hết người dân khó tiếp cận hoặc từ chối tiếp nhận.

heo-2.jpg
Việc di dời đàn heo là bắt buộc nhưng ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các nông hộ. Ảnh: THANH HUY

Một lãnh đạo UBND huyện Nhơn Trạch cho biết: Theo văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh về các chính sách hỗ trợ liên quan đến việc di dời chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi thì người dân phải di dời cơ sở chăn nuôi về khu vực được phép chăn nuôi mới được hỗ trợ kinh phí. Trong khi đó, huyện Nhơn Trạch không có quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung nên phải di dời đến các địa phương khác, không phù hợp với điều kiện sinh sống, gây khó khăn cho quá trình vận động, chuyển đổi nghề.

Các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực đất ở, khu vực quy hoạch đất ở cách xa khu dân cư, mật độ dân cư thưa, diện tích đất nông nghiệp lớn và chưa có thông báo thu hồi đất. Khi tuyên truyền, vận động hướng dẫn người dân lộ trình giảm đàn, ngừng chăn nuôi chưa tạo được sự đồng thuận của người dân; do đó, một số UBND xã kiến nghị xem xét tạo điều kiện cho các hộ dân tại khu vực trên tiếp tục chăn nuôi nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường đến khi các dự án triển khai.

Để tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo UBND huyện Nhơn Trạch đã kiến nghị UBND tỉnh bổ sung vào danh sách di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, còn đối với các cơ sở chăn nuôi nông hộ di dời hoặc ngưng hoạt động có lao động lớn tuổi, lao động thuần nông, UBND huyện nghiên cứu các quy định hiện hành để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp theo quy định.

Đối với việc chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn các xã chủ yếu tập trung tại khu vực quy hoạch dự án cách xa khu dân cư, chưa triển khai thực hiện thu hồi đất, mật độ dân cư thưa, diện tích đất nông nghiệp lớn, UBND cấp xã kiến nghị, góp ý Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Điều 2 của Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND xem xét tạm thời không di dời và cam kết sẽ thực hiện di dời cho đến khi dự án triển khai thu hồi đất, tạo điều kiện cho các hộ dân tại khu vực trên tiếp tục chăn nuôi nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường đến khi các dự án triển khai.

Tin cùng chuyên mục