Những ngày này, người dân miền Tây tất bật thu hoạch vụ lúa vụ 3 (hay còn gọi là lúa Thu Đông), cũng là lúc hoạt động mưu sinh "săn bắt chuột đồng" diễn ra nhộn nhịp.
Người dân đứng quanh ruộng lúa đang thu hoạch để canh bắt chuột đồng |
Ông Nguyễn Văn Quốc ở xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh (Long An) - một người săn chuột đồng giỏi ở địa phương cho hay, muốn bắt được chuột đồng, ngoài việc chạy nhanh, "thợ săn" còn phải nhanh tay, nhanh mắt. "Mỗi ngày, người bắt giỏi sẽ bắt được khoảng 10kg chuột. Người chậm tay, chưa thành thạo, chỉ bắt được khoảng 2-3kg. Chuột bắt tại đồng được thương lái mua ngay với giá dao động 80.000 đến 100.000 đồng/kg", ông Quốc chia sẻ.
Chuột bắt tại đồng được thu mua với giá rất cao |
“Cách bắt chuột đồng phổ biến là nhiều người tạo thành nhóm chạy theo máy cắt lúa để vây bắt. Thành quả sau đó sẽ được chia đều cho mỗi người”, ông Quốc nói.
Khi chiếc máy vừa chạy qua một đường lúa thì chuột đồng sẽ chạy tán ra, từng nhóm người chạy theo dí bắt chuột |
Còn anh Lê Văn Thức ở xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An cho biết, chụp chuột đồng mùa gặt là hình thức bắt chuột phổ biến của người dân miền Tây trong thời buổi cơ giới hóa. Khi máy gặt lúa vừa chạy qua một đường lúa thì chuột đồng sẽ chạy tán ra, từng nhóm người chạy theo dí bắt chuột, những tiếng cười sảng khoái vang lên khắp cánh đồng.
Tuy nhiên, khi nước lũ đổ về, chuột không có chỗ trú ẩn sẽ tìm đến những gò đất cao. Lúc đó, các thợ săn chuột sẽ đi men theo bờ đào hang hoặc đặt bẫy bắt chuột, vì vậy nên nhiều người phải sắm đồ nghề như chĩa, xông khói hoặc giàn thun bắn… để dễ dàng lùng sục, bắt chuột.
Khi nước lũ đổ về, chuột không có chỗ trú ẩn sẽ tìm đến những gò đất cao, các thợ săn chuột sẽ đi men theo bờ đào hang |
Săn chuột đồng ở miền Tây không chỉ là hoạt động thu hút nhiều người tham gia, mà dần trở thành một nét đẹp văn hóa, vừa giúp người dân bảo vệ ruộng lúa vừa có thêm thức ăn cho bữa cơm gia đình, lại tăng thêm thu nhập cho nông dân.
>>> Một số hình ảnh săn bắt chuột đồng: