Đây cũng là lúc người dân đầu nguồn xã Phú Hội, huyện An Phú (An Giang) tất bật giăng lưới, đặt dớn, nhộn nhịp mua bán các món “đặc sản trời cho” mỗi năm một lần. Khoảng 10 ngày qua, trên những cánh đồng đầu nguồn thuộc các huyện, thị xã Hồng Ngự, Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp); Tân Châu, An Phú (tỉnh An Giang) đã bắt đầu đón những con nước tràn đồng. Nước chuyển dần sang màu đỏ phù sa cũng là lúc cá linh xuất hiện.
Ông Nguyễn Văn Mía (40 tuổi, ngụ ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội) cho hay, giá các loại thủy sản mùa nước lũ năm nay nhỉnh hơn năm ngoái một chút. Cá linh con bằng ngón tay út khoảng 150.000 đồng/kg, cá kết 70.000-80.000 đồng/kg, tép trấu 50.000 đồng/kg, ốc 20.000-30.000 đồng/kg.
Thương lái lâu năm ở chợ Phú Hội cho biết, năm nay chủ yếu thu mua cá linh mỗi ngày chừng vài tấn. Cá linh xuất đi các tỉnh thành Tiền Giang, TPHCM, Bình Dương bán cho nhà hàng. Các loại cá chốt, cá chạch, cá kết, cua đồng, tép trấu, lươn… chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh. Mỗi ngày, thu nhập của người dân vùng lũ khoảng 500.000 đồng/người. Ai chịu khó đi xa thì có thể kiếm thêm chút đỉnh, có ngày đặt lú, dớn, đặt lọp trúng thì thu nhập 1-2 triệu đồng. Mùa lũ hàng năm đem lại thu nhập cho bà con nông dân vùng đầu nguồn khoảng 3 tháng. Năm nào không có lũ coi như năm đó thất thu. Người dân vùng hạ nguồn sông Hậu cũng theo con nước để ngóng “đặc sản” mùa lũ, nhất là cá linh.
Mùa nước nổi, cư dân vùng biên không chỉ giăng câu, thả lưới bắt cá, tôm, ốc… mà nhiều hộ còn ra đồng hái bông súng, bông điên điển, rau nhút, hẹ nước để tăng thêm thu nhập. Những chuyến đi khai thác thủy sản bắt đầu từ tờ mờ sáng trên vỏ lãi gắn máy đuôi tôm chạy phăng phăng trên đồng nước.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, xã Phú Hội, kể: “Xứ này điên điển nhiều lắm. Mùa nước ngập, bông nở vàng đồng. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã theo mẹ bơi xuồng đi hái bông điên điển về nấu ăn. Bông điên điển trở thành món ngon nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng nên giá bán cũng trên 30.000 đồng/kg. Bông điên điển hái buổi sớm rất tươi ngon. Vào mùa nước nổi, mỗi ngày tôi cũng hái được năm ba ký, có thêm chút thu nhập để phụ tiền học cho con”. Không chỉ tạo thu nhập cho cư dân sông nước, mùa lũ còn tạo việc làm cho bà con đan lưới, làm lú, dớn, lộp, lờ bằng tre nứa…
Theo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, mùa lũ năm nay mực nước cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 0,7m, dự báo đỉnh lũ có thể xuất hiện sau khoảng 1 tháng nữa. Những năm gần đây, do tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn Mê Công và biến đổi khí hậu, nên mùa lũ hàng năm cũng thất thường, năm cao, năm thấp, có năm gần như không có lũ.