Vì ngày vía Thần tài năm nay (31-1) là ngày đi làm nên nhiều người tranh thủ đi mua vàng từ sớm. Có mặt tại cửa hàng PNJ đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TPHCM vào lúc 7 giờ sáng, chị Ngọc Diệp (quận 3) cho biết, trên đường đi làm, tôi tranh thủ ghé ngang mua vàng lấy hên đầu năm. “Tôi chọn set vàng thần tài 6 miếng để dành tặng các thành viên trong gia đình, hy vọng năm mới đầy may mắn và phát tài”, chị Diệp cho hay.
Khách hàng mua vàng trong ngày vía Thần Tài tại cửa hàng PNJ (TPHCM), sáng 31-1 |
Tại Công ty vàng SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) từ sáng sớm đã có rất đông khách hàng đến mua vàng. Anh Nguyễn Hoàng (quận 1) vừa mua sản phẩm vàng nhẫn cho biết, năm nay, anh chọn mua chiếc nhẫn vàng trơn 2 chỉ 9999 vừa để lấy hên, vừa để dành mà không phải trả tiền công như mua các sản phẩm vàng chế tác có hình linh vật hay thần tài.
Vào khoảng 8 giờ ngày 31-1, tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh) cũng đã có hàng trăm khách đến mua vàng, chen kín lối đi của tiệm vàng. Trong khi các tiệm vàng gần chợ Bàn Cờ, chợ Vườn Chuối (quận 3); chợ Tân Định (quận 1) vào khoảng 9 giờ, khách đến mua vàng không đông lắm. Mỗi cửa hàng có khoảng hơn chục người đến giao dịch. Đa số khách hàng đến các cửa hàng này để mua nhẫn, lắc tay, bông tai, dây chuyền để vừa làm trang sức vừa lấy hên thay vì mua các loại vàng miếng như các cửa hàng vàng lớn.
Ghi nhận tại cửa hàng PNJ trên đường Hai Bà Trưng (quận 1) vào khoảng 10 giờ 30 ngày 31-1, lượng khách khá đông nhưng không tấp nập như năm trước. Đại diện cửa hàng này cho biết, mọi năm, người dân tập trung mua vàng trong ngày vía Thần Tài vào mùng 10 tháng Giêng thì năm nay người dân đi mua sắm sớm hơn.
Khách hàng mua vàng trong ngày vía Thần Tài, tại cửa hàng PNJ (TPHCM), sáng 31-1 |
Ghi nhận tại hệ thống cửa hàng bán lẻ của PNJ, khách hàng đã bắt đầu mua vàng lấy hên từ mùng 8, mùng 9. “Hôm nay, ngay từ sáng sớm, khách hàng đã đến mua vàng trước khi đi làm; cũng có khách đến trưa hoặc chiều tan tầm, mới đi mua vàng”, đại diện cửa hàng PNJ cho hay.
Thị trường mua sắm trong ngày vía Thần Tài năm 2023 khá đa dạng sản phẩm thiết kế. Công ty SJC có nhiều mẫu vàng linh vật mèo để phục vụ khách hàng mua sắm. PNJ cũng đưa ra các sản phẩm thiết kế mang tính biểu tượng linh vật của năm với bộ sưu tập dành cho dịp Tết Quý Mão mang hình tượng chú mèo vàng; các bộ sưu tập vàng Tài Lộc với bộ 3 miếng vàng, 6 miếng vàng và 12 miếng vàng…
Ngay từ sáng sớm 31-1, khách hàng đã đến mua vàng trước khi đi làm |
Cửa hàng vàng Doji cũng cho biết đã chuẩn bị 4.500 sản phẩm để phục vụ nhu cầu của khách, tăng 18% so với 2022. Công ty SBJ cũng đưa ra thị trường các sản phẩm vàng với mẫu mã đa dạng như tượng Thần tài, túi lộc vàng, lá bồ đề an gia…
Ngoài đa dạng sản phẩm, năm nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng đã áp dụng nhiều phương thức mua vàng để thuận tiện cho khách hàng. Cụ thể, tại PNJ, nhiều khách hàng đã mua vàng trực tuyến, đặt hàng sẵn tại nhà, sau đó mới ra cửa hàng để nhận sản phẩm để tránh việc chờ đợi. PNJ còn cho khách hàng mua trả góp với lãi suất 0% và bốc thăm trúng thưởng để thu hút khách hàng.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng đã áp dụng nhiều phương thức mua vàng để thuận tiện cho khách hàng |
Năm nay, Công ty SJC bổ sung thêm hình thức thanh toán bằng cách quét mã VietQR nhằm tạo tiện lợi hơn cho người mua để không phải rút tiền mặt. SBJ còn bán vàng qua Ví MoMo một số sản phẩm vàng miếng. Thậm chí, khách hàng mua xong có thể giữ tại ví điện tử để khi cần bán, có thể bán luôn qua ví…
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết, nhằm phục vụ tốt nhất cho khách hàng mua sắm, các hệ thống cửa hàng của PNJ, SJC, Doji… sẽ đóng cửa vào lúc 23 giờ hoặc trễ hơn.
* Ghi nhận ngày 31-1, nhiều chợ truyền thống, cửa hàng tại TPHCM tấp nập mở bán trở lại phục vụ người dân. Nguồn hàng dồi dào, giá cả dần “hạ nhiệt” so với vài ngày trước. Riêng một số mặt hàng như cá lóc nướng, thủy hải sản… tăng giá do nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Dự báo từ ban quản lý các chợ cũng như tiểu thương, sau rằm tháng Giêng, giá cả sẽ ổn định trở lại.
Dọc tuyến đường Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Phú) vào trưa cùng ngày, khá đông khách đến mua cá lóc nướng đủ loại, với mức giá từ 200.000-240.000 đồng/con đã bao gồm bún, nước chấm, rau sống...
Cá lóc nướng bày bán trên đường Tân Kỳ - Tân Quý, trưa 31-1 |
Giá bán năm nay tăng khoảng 20.000 - 30.000 đồng/con so với ngày bình thường, nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước thì tăng không đáng kể. Dịp này, không chỉ người dân mà nhiều doanh nghiệp cũng tấp nập mua cá vía Thần Tài. Ước tính, mỗi điểm bán cung ứng cho thị trường từ 2.000 - 4.500 con cá lóc nướng mỗi ngày.
Người tiêu dùng chọn mua cá lóc nướng trưa 31-1 trên đường Tân Kỳ - Tân Quý |
Ngoài mặt hàng cá lóc nướng, các loại trái cây, hoa tươi, thủy sản… bày bán tại một số chợ cũng hút khách, có tình trạng tăng giá. Chẳng hạn, tại chợ Hòa Hưng (quận 10); Võ Thành Trang (quận Tân Bình), chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12)… giá cam, quýt dao động từ 35.000 - 65.000 đồng/kg (tăng 10.000-15.000 đồng/kg so với ngày thường), hoa vạn thọ từ 20.000-25.000 đồng/bó (tăng khoảng 5.000 đồng/bó); tôm thẻ chân trắng từ 190.000 - 250.000 đồng/kg tùy kích cỡ, tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg…
Rau xanh, củ quả các loại thu hút người tiêu dùng sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão |
Trong khi đó, thông tin từ các chợ đầu mối (Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn), lượng hàng về chợ đạt khoảng 90% so với ngày bình thường. Giá bán sỉ nhiều mặt hàng tương đối ổn định.
Chẳng hạn, tại chợ đầu mối Thủ Đức, bắp cải tròn Đà Lạt có giá 10.000 đồng/kg, bầu 7.000 đồng/kg, bí đao 9.000 đồng/kg… Tuy vậy, cũng có một số mặt hàng tăng giá so với 4 ngày trước như đậu cô ve trắng 30.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg), dưa leo 33.000 đồng/kg (tăng 17.000 đồng/kg),… Theo đó, giá bán lẻ các mặt hàng này tại một số chợ truyền thống cũng bị đẩy lên cao.
Đối với mặt hàng thịt heo, giá bán tại chợ đầu mối Hóc Môn vẫn bình ổn, sức mua yếu. Cụ thể thịt heo mảnh từ 76.000-85.000 đồng/kg, nạc dăm 90.000 đồng/kg, đùi rọ 75.000 đồng/kg… tương đương với mức giá trước Tết Nguyên đán.