Theo bà con ngư dân, cá cơm được đánh bắt quanh năm, tùy từng địa phương mà thời vụ đánh bắt có thể khác nhau, nhưng chính vụ tầm từ tháng 12 Âm lịch năm trước đến tháng 3 năm sau. Cá cơm có nhiều loại, như cá cơm trắng, cá cơm đen (trỏng than), cá cơm đỏ, cá cơm sọc tiêu,…
Ngư trường đánh bắt cá cơm ở nhiều nơi, như vùng biển Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Hòn Gió (Quảng Bình), Cồn Cỏ (Quảng Trị),… Mỗi chuyến ra khơi thường từ 3-5 ngày, tuy nhiên, có thời điểm trúng cá có thể đi về trong 1-2 ngày.
Ông Phan Văn Hải, Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập cho biết, cũng như nhiều làng biển ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh,… ngư dân Quỳnh Lập đánh bắt đa dạng các loại hải sản, trong đó có nghề truyền thống đánh bắt cá cơm.
Cá cơm sau khi đánh bắt được sẽ đem làm nước mắm, phơi khô, hấp hoặc chế biến thành các sản phẩm tẩm ướp gia vị để bán. Ngoài tiêu thụ trong nước, cá cơm của địa phương còn xuất sang Trung Quốc, Lào, Campuchia,… Tuy nhiên, do thời gian này ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu đang gặp khó khăn.
Hiện nay, giá cá cơm dao động từ 11.000 đồng – 13.000 đồng/kg, có thời điểm cao giá lên khoảng 15.000 đồng – 16.000 đồng/kg. Cá cơm phơi khô có giá bán đắt hơn cá cơm hấp. Theo ông Hải, với giá bán này ngư dân chỉ hòa vốn là may, còn có lời không đáng kể. Mặc dù gặp khó khăn nhưng ngư dân vẫn vươn khơi vì đây là nghề truyền thống, không thể bỏ.