Cấp tập khách đoàn, khách lẻ…
Chiều tối, nhiều nhóm khách quốc tế thong thả tản bộ dọc các tuyến đường Nguyễn Huệ, khu vực chợ Bến Thành, Công viên Bến Bạch Đằng, phố Bùi Viện (quận 1); chợ An Đông (quận 5); chợ Bình Tây (quận 6)… Bên trong Nhà hát TPHCM, các suất diễn À ố show luôn đông nghẹt khách.
Chia sẻ về số lượng khách đến Việt Nam, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Lữ hành Saigontourist, cho biết, 3 tháng đầu năm nay, công ty phục vụ khoảng 68.000 khách quốc tế trong đó khách tàu biển chiếm gần 70%. Ngoài các đoàn khách đổ về vào mùa cao điểm (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau), đơn vị vẫn đón rải rác các đoàn khách đến vui chơi, trải nghiệm danh thắng dọc đất nước ta.
Ông Thái Doãn Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Công đoàn TPHCM, xác nhận, từ cuối tháng 10-2023 đến nay, đơn vị đều đặn nhận các đoàn khách châu Âu đến tham quan TPHCM và ĐBSCL.
Chung niềm vui đó, ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng Giám đốc Saco Travel, thông tin, doanh nghiệp đã tăng cường xe mới, tuyển thêm nhân viên để hỗ trợ khách kịp thời, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Hút khách bằng nhiều cách
Theo ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Vietluxtour, hiện nay nhu cầu của du khách cao hơn về dịch vụ, thư giãn, chất lượng lưu trú, ẩm thực… Du khách châu Âu hiện có xu hướng chọn các tour xuyên Việt với trải nghiệm văn hóa, ẩm thực 3 miền, trong 2-3 tuần. Các điểm đến lịch sử tại TPHCM, Hà Nội cũng được yêu thích. Chẳng hạn, sản phẩm City tour TPHCM; dòng sản phẩm văn hóa, lịch sử Biệt động Sài Gòn được du khách chọn đưa vào hành trình. Theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách châu Âu rất thích các mặt hàng thủ công như túi lục bình, nón lá, những con thú nhỏ được làm từ gỗ dừa, do vậy nhiều tỉnh thành đang đẩy mạnh sản xuất sản phẩm OCOP để phát triển kinh tế địa phương và “xuất khẩu tại chỗ”...
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, thông tin, thành phố đặt mục tiêu năm nay đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa và tổng doanh thu khoảng 190.000 tỷ đồng.
Siết chặt vệ sinh thực phẩm tại các điểm du lịch
Vụ ngộ độc thực phẩm ở quán cơm gà tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tại các tỉnh thành có lượng khách du lịch lớn.
Chiều 19-3, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo kết quả kiểm nghiệm, vi khuẩn Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus đã gây ra vụ ngộ độc thực phẩm tại quán cơm gà Trâm Anh (với 367 nạn nhân theo ghi nhận từ các cơ sở y tế ). Làm việc với ngành chức năng tỉnh, chủ quán ăn không xuất trình được hợp đồng mua bán và các giấy tờ liên quan đến nguyên liệu thực phẩm; không kiểm thực 3 bước và lưu mẫu theo đúng quy định nên hiện bị tạm đình chỉ hoạt động.
Theo ông Trịnh Ngọc Hiệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, sau vụ việc này đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục điều tra dịch tễ và truy xuất nguyên nhân ngộ độc, cắt nguồn lây nhiễm bệnh; tăng cường truyền thông giáo dục cho người dân ăn uống hợp vệ sinh trong mùa nắng nóng, rà soát kiểm tra các thực phẩm nguội, đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh.
Vào tháng 7-2023, 11 người trong đoàn nhân viên y tế của TPHCM đến TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Công tác truy vết của ngành y tế địa phương gặp khó khăn do các thành viên trong đoàn ăn uống nhiều nơi, kể cả hàng quán lề đường. Theo Sở Y tế Bình Thuận, nhiều cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh thuộc diện kinh doanh gia đình, nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh không bảo đảm, kinh doanh mang tính thời vụ, không có địa điểm cố định. Vì vậy, công tác quản lý, tuyên truyền gặp khó khăn. Năm 2023, qua kiểm tra các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, ngành chức năng tỉnh Bình Thuận phát hiện 27 cơ sở vi phạm và đã xử phạt hơn 246 triệu đồng.
Tương tự, tại TP Đà Lạt, nhiều tuyến đường Bùi Thị Xuân, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng, khu Hòa Bình… tập trung nhà hàng, quán ăn để đáp ứng nhu cầu của người dân, khách du lịch. Địa phương đang thí điểm khu phố ẩm thực đêm với 100 cửa hàng tại Vườn hoa Đà Lạt. Khi kinh doanh tại đây, người dân phải cam kết yêu cầu về niêm yết giá và quy định về an toàn thực phẩm.
Ông Trịnh Văn Quyết, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: Công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh phân cấp cụ thể cho các ngành đã tạo được sự đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, tránh chồng chéo và bỏ sót, nhờ đó từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
CÔNG NHÂN - ĐOÀN KIÊN - NGUYỄN TIẾN