“Đi chợ mạng” của các mẹ U70, U80
Hơn tháng nay, bà Nguyễn Thị Hương (73 tuổi, ngụ đường Tô Ký, quận 12) không ghé các chợ truyền thống gần nhà mà bắt đầu tập “đi chợ mạng”. Những ngày đầu có phần bỡ ngỡ, nhưng nay khá thành thạo.
“Thời điểm trước dịch, vợ chồng mình đều luân phiên đi chợ mua hàng. Nay giãn cách xã hội nên chuyển sang đi siêu thị song song với đặt mua từ Zalo, Facebook. Mẹ mình lớn tuổi, bà chỉ loanh quanh ở nhà nên cũng buồn. Việc đi chợ online đối với mẹ mình là để tìm thêm niềm vui, có người bầu bạn tâm tình”, chị Lê Oanh Phương, con gái bà Hương, cho biết.
Tại nhà anh Nguyễn Việt Ân (đường Lê Văn Khương, quận 12), cháu Nguyễn Minh Quân (15 tuổi, con trai anh Ân) được giao nhiệm vụ hướng dẫn bà nội lên mạng xã hội. Buổi sáng, cả nhà quây quần xem TV, Minh Quân cùng nội rủ rỉ trong phòng để tập dợt lên Zalo, Facebook.
Bà Mai Thanh Hiếu, 69 tuổi, mẹ anh Ân, rành rọt: “Chỉ cần vào biểu tượng chiếc kính lúp ở góc trái màn hình trang Facebook cá nhân, gõ chữ “rau, củ quả”, hoặc “thịt cá”, thế là đủ món sẽ “nhảy” ra. Thích mục nào thì vào xem mục đó, tiện lắm. Tôi cũng hay đi chợ nên giá cao thấp, mắc rẻ gì cũng rành, không sợ bị gạt. Thật ra, hóa đơn mua hàng của gia đình tôi cũng chỉ vài ba trăm ngàn đồng thôi chứ không nhiều”.
Lê Nguyễn Việt Tú, 17 tuổi, ngụ đường Trường Chinh (quận Tân Bình) tâm sự, bà ngoại em năm nay 74 tuổi nhưng khá khỏe mạnh, minh mẫn. Sau 5 ngày luyện tập, bà đã có thể tự lên mạng, tìm hiểu một số thông tin cơ bản. Việc đặt mua thực phẩm cũng dễ dàng chứ không quá trầy trật. Để chắc chắn, bà còn kêu người bạn gọi điện bằng video để xem và dễ lựa thực phẩm. Tuy vậy, có đôi lần bà cũng bị “gạt”, nhưng chỉ là những sai sót không lớn, chẳng hạn như rau bị giập, trái cây không tươi…
“Lúc đó ngoại chỉ cười và nói rằng mua hàng trên mạng cũng phải thận trọng ha con. Mình thấy vậy mà không phải vậy đâu nghen”, Việt Tú kể.
Thêm niềm vui tuổi xế chiều
Quan điểm chung của các bà, các mẹ nội trợ lúc này vẫn là tìm niềm vui nhỏ bé trong công việc thường ngày. Bởi cuộc sống thời điểm giãn cách chắc chắn không tròn đầy, muốn mua gì có đấy như trước đây. Chính vì thế, các bữa cơm trong mỗi gia đình thường mang tính gắn kết các thành viên, để mọi người có thời gian ấm áp sum vầy bên nhau.
Bà Mai Thanh Hiếu vui vẻ: “Các món ăn trên YouTube phong phú lắm. Chỉ cần chút rau quả, thịt cá… mà có thể bày ra được rất nhiều món lạ mắt. Nguyên liệu có sẵn, thực hành theo cách đầu bếp hướng dẫn là ra món. Ban đầu có thể chưa ngon, nhưng vài lần sẽ ổn”. Chị Lê Thị Lan (ngụ đường Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn) vốn không phải người khéo tay, nhưng đến thời điểm này, “tay nghề đầu bếp” của chị đã tăng vài bậc.
Theo bà Nguyễn Thị Hương Thanh (ngụ đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12), việc lên mạng giúp bà bớt căng thẳng khá nhiều. “Mỗi ngày, tôi cùng con dâu và đám cháu nội vào bếp. Tôi làm bếp trưởng, tụi nhỏ làm bếp phó, phụ lặt rau, cắt tỉa hoặc trang trí hoa quả. Chủ yếu vẽ ra việc cho cả nhà vui, chứ ăn uống chẳng bao nhiêu. Nguyên phụ liệu sẵn có như dưa chuột, cà chua, cà rốt… Vậy mà tụi nhỏ ngon mắt nên thấy ngon miệng, khiến mình vui lây”, bà Thanh tâm tình.
Đối với anh Phó Văn Tuân, chồng chị Lê Thị Lan, dịp giãn cách này giúp gia đình anh chị trân quý hơn những phút giây sum họp. Trước đây, cả nhà mạnh ai nấy đi làm, đi ăn, vì giờ giấc ca kíp lệch nhau. Còn nay thì khác, một người ít vào bếp như chị Lan cũng có thể chế biến được một số món ăn tươm tất.
Anh Phó Văn Tuân ngạc nhiên: “Vợ tôi bắt đầu đảm đang, chi tiêu tiết kiệm hơn khi dịch bệnh xảy ra và nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội như thế này. Cô ấy cũng học được cách bảo quản rau củ kỹ lưỡng, không bị giập héo, mà trước đây hầu như chẳng mấy quan tâm”.
Hiện nay, nỗi lo ăn gì mỗi ngày vẫn thường trực, nhưng đã có các công cụ trợ giúp từ “đầu bếp mạng xã hội” nên không đáng lo. Chỉ cần khéo vun vén thì bữa ăn mỗi ngày đều có thể trở thành niềm vui, dù không nhất thiết phải có sơn hào hải vị.