Theo GS Trần Thanh Vân, sự kiện khoa học trên đánh giá cột mốc hết sức quan trọng trong việc phát triển ngành vật lý Việt Nam và cả châu Á. Bởi, rất khó để các nhà khoa học thế giới có một công trình đăng trên tạp chí Nature. Lần này, Việt Nam là quốc gia thứ 2 ở châu Á (sau Nhật Bản) có một nhóm nghiên cứu vật lý Neutrino trẻ trong nước đồng tham gia và có công trình nghiên cứu được đăng trên Nature. Nhóm Neutrino này hiện đang hoạt động nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE), thuộc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE, đặt tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Công trình với tên gọi: “Ràng buộc tham số pha vi phạm đối xứng vật chất - phản vật chất trong dao động Neutrino” thuộc thí nghiệm T2K, được thực hiện tại Nhật Bản bởi sự hợp tác quốc tế của khoảng 600 nhà vật lý, kỹ sư với hơn 60 tổ chức nghiên cứu đến từ 12 quốc gia trên thế giới. Thí nghiệm T2K là thí nghiệm quốc tế về vật lý hạt cơ bản, nghiên cứu các dao động của Neutrino sinh ra từ máy gia tốc. Công trình công bố trên được giới khoa học thế giới đánh giá là kết quả nghiên cứu đột phá về dấu hiệu phá vỡ đối xứng CP (vi phạm liên hợp điện tích và đảo ngược chẵn lẻ) ở trong dao động Neutrino (hiện tượng cơ học lượng tử).
Năm 2016, dựa trên sáng kiến đề xuất của GS Kajita Takaaki – người đoạt giải Nobel Vật lý 2015 và một số giáo sư vật lý ở Pháp và Nhật Bản, Trung tâm ICISE đã cùng với chính quyền tỉnh Bình Định xin ý kiến của Bộ KH-CN thành lập Viện IFIRSE, do GS Trần Thanh Vân làm viện trưởng. Viện IFIRSE hiện có 2 nhóm nghiên cứu bao gồm, nhóm Vật lý lý thuyết và nhóm Neutrino (nhóm nghiên cứu duy nhất tại Việt Nam về lĩnh vực Neutrino thực nghiệm).