Muôn kiểu hóa thân
Do mạng xã hội Facebook siết chặt hơn tiêu chuẩn cộng đồng khi chia sẻ bài viết, các hội nhóm “sugar baby - sugar daddy” một thời “bay màu” hoặc chuyển đổi thành nơi bán hàng online. Để có thể tung hoành trên mạng xã hội, các hội nhóm con nuôi - bố nuôi bắt đầu “hóa thân” trong nhiều chiêu trò tư vấn giới tính.
Ẩn mình dưới những cái tên chia sẻ kiến thức giới tính và tâm sự thầm kín về nhu cầu sinh lý cá nhân, nhiều hội nhóm trên mạng xã hội được lập ra như: “Chị em chúng mình”, “Tâm sự đêm muộn”, “Chuyện thầm kín”, “Tuyệt chiêu quyến rũ”…
Các hội nhóm này luôn thiết lập ở chế độ riêng tư, người dùng mạng xã hội muốn tham gia phải gõ từ khóa như “tình dục”, “phòng the” để tìm kiếm và chấp nhận quy định không chia sẻ các bài viết bán hàng trực tuyến vào nhóm thì mới được nhập hội.
Hơn 2.000 thành viên, nhóm “Trinh nữ” chia sẻ hơn 100 bài viết mỗi ngày, tuy nhiên nội dung hoàn toàn khác với những gì nhóm đặt ra. Không có bài viết quảng cáo bán hàng và cũng không có bài viết chia sẻ kiến thức giới tính cho tuổi mới lớn, liên tục là những bài viết ngắn chủ yếu để lại số điện thoại và nội dung “tìm daddy”, “bán t…”, “mua t… nhanh”, “đi kín”…
Liên lạc N.V.T. (27 tuổi, ngụ TP Đà Nẵng), quản lý một nhóm hơn 2.000 thành viên tham gia, T. thẳng thắn: “Tôi lập nhóm cho ai có nhu cầu thôi, còn chuyện kết nối như thế nào, có bị lừa hay không phụ thuộc vào kỹ năng của các bạn. Kiếm tiền từ mạng xã hội, muốn vào nhóm chất lượng thì phải mất phí chứ, đâu ai ngồi không mà lọc thành viên, tài khoản ảo, xóa bài quảng cáo không công cho các bạn được”.
Nhiều nhóm đặt ra một loạt quy định nghiêm túc như: không nói tục, chửi thề; không bán hàng trực tuyến; không gây gổ, kích động… cùng lời giới thiệu hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống cá nhân, phát triển bản thân, đề cao tính nữ…
Bấm vào ô đồng ý, chưa đầy 5 phút sau, chúng tôi được duyệt trở thành thành viên của nhóm “H.T.N.” với gần 3.000 thành viên, 150 bài viết/ngày. Nhưng kiến thức khoa học, giới tính thì không thấy, chưa đầy 10 phút vào nhóm, chúng tôi lướt sơ qua thấy có gần 10 bài viết “chào giá”, “đi khách” với đầy đủ số điện thoại và địa chỉ cho ai có nhu cầu.
Cẩn trọng với “mật”
Bắt đầu bằng lời xoa dịu và chia sẻ những nỗi niềm trong công việc, cuộc sống mà giới trẻ hiện đại vẫn hay than phiền, nhóm “Chuyện chúng mình” dần thu hút hơn 2.000 thành viên tham gia với đủ tâm sự về những áp lực vô hình của người trẻ trong hành trình trưởng thành.
Để lại dòng trạng thái buồn khi gặp chuyện không vui trong công việc, Nguyễn Tấn Đ. (29 tuổi, ngụ quận 8) nhận được nhiều bình luận động viên, và đặc biệt là những tin nhắn hỏi thăm từ tài khoản V.T. (người thành lập nhóm).
“Ban đầu, bạn nhắn tin chia sẻ, động viên như bạn bè bình thường, tôi cũng trả lời một cách qua loa. Khi tôi chia sẻ câu chuyện chuyển chỗ làm và áp lực công việc mới, dần dần bạn nhắn tin nhiều hơn. Bạn hỏi thăm nơi ở, công ty mới của tôi và hẹn cà phê nhưng tôi chưa đồng ý, thì bạn gợi ý luôn giá “đi kín” một lần và bảo đảm bí mật thông tin. Lúc này, tôi mới hiểu vấn đề, chuyện ngã giá trong nhóm như thế này rất nhiều, nên tôi rút luôn”, Đ. kể.
Tương tự Đ., những lời rót mật vào tai, cùng nội dung chia sẻ đầy thấu hiểu về áp lực tâm lý của người trẻ gen Y, gen Z… khiến Huỳnh Thục Nghi (24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) nhanh chóng gia nhập nhóm “Tâm sự đêm muộn”. Không chia sẻ bài viết, nhưng việc Nghi thường để lại bình luận dưới những bài viết trong nhóm khiến cô gái trẻ này bắt đầu nằm trong tầm ngắm của thành viên lập nhóm.
Thục Nghi kể: “Một ngày đang ngồi làm việc ở công ty, tôi nhận được tin nhắn từ một chị có tài khoản M.D. giới thiệu là admin của nhóm. Chị hỏi thăm và chia sẻ chuyện làm đẹp, tôi cũng vui vẻ trả lời vì bản thân khá quan tâm đến các loại mỹ phẩm. Khoảng một tuần sau, chị hỏi tôi có muốn làm việc cùng chị không, tôi mới biết đây là đầu mối kết nối sugar baby và sugar daddy, mà chị thường giới thiệu là tìm nữ quảng cáo mỹ phẩm, ưu tiên ngoại hình đẹp hay bé ngọt ngào”.
Lướt một vòng những hội nhóm trên, xuất hiện ngày càng nhiều những lời mời mọc bao dưỡng công khai. Rõ ràng, việc kiểm soát nội dung từ các nền tảng trực tuyến không chỉ trông chờ vào bản lĩnh người dùng, mà trên hết cần những quy định, luật lệ cụ thể hơn, để những chiêu trò mồi chài, ngã giá… thôi lộng hành.