Không còn chuộng nhóm nhạc
Sự phát triển của thị trường âm nhạc không thể vắng bóng những nhóm nhạc bên cạnh các ca sĩ solo. Ngoài các ban, nhóm nhạc có vị trí vững chắc suốt nhiều năm qua vẫn đang hoạt động được yêu mến như Bức Tường, MTV, Ngũ Cung, Microwave, Ngọt, Cá hồi hoang, SpaceSpeakers, Da LAB… mang đến cho thị trường nhạc Việt không ít bản hit bắt tai, thì những nhóm nhạc gen Z như Chillies, The Cassette, Uni5… xuất hiện đã đem đến nguồn năng lượng tươi mới.
Sự ra đời của các nhóm nhạc là sự khẳng định thị trường âm nhạc đang phát triển đa dạng, đa sắc. Các nhóm nhạc hoạt động theo 2 hướng: nhóm tập trung sản xuất âm nhạc; nhóm theo mô hình thần tượng, đa năng. Phải công nhận các nhóm nhạc trẻ như Cá hồi hoang, Ngọt, Chillies, Da LAB, The Cassette… hoạt động tốt. Không chạy theo khuôn mẫu các nhóm nhạc nước ngoài trau chuốt ngoại hình, chiến dịch quảng bá rầm rộ, các nhóm này tập trung vào chất lượng âm nhạc.
Họ có tổ chức liveshow, minishow, có đất diễn ở các chương trình âm nhạc lớn trong nước và mỗi sản phẩm phát hành nhận được sự đón nhận của khán giả. Các nhóm nhạc theo mô hình nhóm nghệ sĩ giải trí đa năng như Uni5, FOR7, O2O Girl Band, SGO48, P336… thì hoạt động dưới sự quản lý của các công ty chuyên đào tạo ca sĩ. Công thức chung của nhóm này là dàn ca sĩ trẻ trung, ngoại hình sáng sân khấu kiểu hot boy, hot girl, có vũ đạo tốt.
Chương trình tìm kiếm tài năng Rock Việt mùa đầu tiên có sự tham gia của 20 ban nhạc tranh tài, trong số này có nhóm vừa được thành lập, có nhóm thành lập vài tháng, vài năm. Tuy nhiên, dường như chưa có nhóm nào có hoạt động nào nổi bật sau cuộc thi ngoài nhóm quán quân Metanoia với đêm nhạc rock biểu diễn cùng Bức Tường tại TPHCM với hơn 5.000 khán giả.
Cách đây chừng 10 năm là thời điểm hoàng kim của hàng loạt ban nhạc, nhóm nhạc đình đám. Theo thời gian, phần lớn các nhóm nhạc lần lượt chia tay khán giả. Có một thực tế là thị trường nhạc Việt hiện tại không còn quá chuộng nhóm nhạc. Mô hình nhóm nhạc hầu như khó tồn tại lâu dài.
Phải có chất riêng
Trong dòng chảy âm nhạc thị trường, dù phát triển theo hướng nào, các nhóm nhạc vẫn phải nỗ lực tập trung vào sản xuất các sản phẩm, định hình phong cách cùng những chiến lược truyền thông, tiếp cận công chúng dài hơi.
Sự thành công của các nhóm nhạc trong khu vực, điển hình từ K-pop, khiến cho nhiều công ty âm nhạc trong nước kỳ vọng vào những dự án cho một thế hệ nhóm nhạc nam, nhóm nhạc nữ mang thương hiệu Việt, tiệm cận tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Thế nhưng, trong hành trình học hỏi đó, thực tế có không ít “bản sao” xứ người, chưa tạo được bản sắc riêng, có hiện tượng “K-pop hóa”.
Vì vậy, có nhóm nhạc vừa thành lập đã tan rã, có nhóm chỉ vừa thông tin sắp ra mắt đã bị “ném đá” tơi tả khi tung ra những hình ảnh đầu tiên na ná nhóm nhạc Hàn, vướng tranh cãi đạo nhái từ hình ảnh đến ca khúc. Sự đón nhận của giới chuyên môn và công chúng dành cho các nhóm nhạc thị trường đang ngày càng khắt khe. Không chịu được thử thách, nhiều nhóm đã tan rã như Monstar, Zero9, The Air, LipB, SG048…
Chị Đỗ Thị Minh Anh (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) nói: “Tôi thấy nhiều nhóm nhạc công bố ra đời với những tên gọi na ná nước ngoài, tiếng Anh, viết tắt thiệt khó nhớ và họ không gây được tiếng vang như kỳ vọng. Sau những lời giới thiệu có cánh, hay những chiến dịch quảng bá hoành tráng thì quan trọng phải là sản phẩm chất lượng. Mà sản phẩm như thế thì không nhiều thật. Thay vì hát chèn tiếng Anh hợp thời, nghệ sĩ vẫn có thể có những ca khúc rất riêng, rất Việt mà. Các nhóm nhạc Hàn họ nổi tiếng cũng vì họ có chất riêng, rất Hàn”.
Trần Hoài Thân, thành viên ban nhạc The Cassette, chia sẻ, để có chỗ đứng trong thị trường âm nhạc hiện nay không hề dễ, cần rất nhiều yếu tố và nhóm đã trải qua nhiều thử thách để có thể tồn tại được đến bây giờ.
“Ngoài vấn đề chuyên môn âm nhạc, nhóm cũng tìm hiểu kỹ thị trường bên ngoài. Khán giả sẽ là người nhìn nhận điều đấy nếu âm nhạc tác động đủ mạnh đến họ”, Hoài Thân nói.
Khi thị hiếu thưởng thức âm nhạc khán giả ngày càng cao thì sản phẩm âm nhạc mới là yếu tố quyết định thành công của ca sĩ, nhóm nhạc. Đây là điều mà các công ty quản lý âm nhạc cần xác định và có định hướng đúng đắn khi đặt nền móng xây dựng nhóm. Để trụ được lại thị trường nhạc Việt hiện tại, phải có sự định hướng, chất lượng sản phẩm, đặc biệt quan trọng nhất là sự khác biệt, là bản sắc.