Mặc dù duy trì được tốc độ tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) tương đối cao, song NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp khi so sánh với NSLĐ bình quân của các nhóm nước phân chia theo thu nhập. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định tại hội thảo “Đối thoại chính sách – Tăng NSLĐ cho Việt Nam” được VEPR tổ chức sáng nay 26-9.
Cụ thể, năm 2017, NSLĐ Việt Nam gấp 2 lần NSLĐ trung bình của nhóm nước thu nhập thấp, bằng hơn 50% nhóm nước thu nhập trung bình thấp và chỉ bằng 18,3% nhóm các nước trung bình cao.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có NSLĐ chưa cao, trong khi ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản nằm trong số các ngành có NSLĐ thấp nhất nền kinh tế.
Trong tương quan với các nước so sánh, NSLĐ Việt Nam cao hơn nhiều quốc gia trong 3 ngành: khai mỏ và khai khoáng; tài chính bất động sản và dịch vụ văn phòng; dịch vụ cộng đồng, xã hội, cá nhân.
Ở chiều ngược lại, NSLĐ của Việt Nam thấp nhất, xếp liền sau Campuchia ở 3 ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; vận tải, kho bãi, truyền thông.
TS. Nguyễn Đức Thành đặc biệt lưu ý rằng, có dấu hiệu cho thấy tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam đã và đang chuyển dần từ phụ thuộc vào cường độ vốn sang năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP - là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, nhờ vào tác động của các nhân tố đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động… - PV).
“Mới chỉ là chỉ dấu tích cực ban đầu, theo nghiên cứu của chúng tôi, nhưng chúng ta sẽ tận dụng điều này như thế nào là câu hỏi khó”, ông Thành thận trọng nói thêm.
Trong giai đoạn 2008-2016, NSLĐ tăng trưởng thêm 0,225 lần (22,5%). Hiệu ứng nội ngành và hiệu ứng dịch chuyển làm tăng NSLĐ, trong khi hiệu ứng tương tác làm giảm tăng trưởng NSLĐ.
Như vậy, nếu Việt Nam có thể mở rộng thị trường quốc tế nhanh hơn nữa cho các ngành cho NSLĐ cao thì sẽ giảm nhẹ được hiệu ứng làm giảm tăng trưởng NSLĐ.
“Hiệu ứng nội ngành dần vượt qua hiệu ứng dịch chuyển để dẫn dắt NSLĐ của Việt Nam là xu hướng tích cực và cần được duy trì”, TS. Nguyễn Đức Thành khuyến nghị.
Tập trung nghiên cứu khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Lê Văn Hùng (Viện Kinh tế Việt Nam) nêu ra một nhận định đáng ngạc nhiên: Mặc dù khu vực này giữ vai trò quan trọng đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam, nhưng phần lớn là do lao động dịch chuyển từ khu vực nội địa NSLĐ thấp (nông, lâm nghiệp, thuỷ sản) sang khu vực FDI với NSLĐ tuyệt đối cao hơn.
Đóng góp từ tăng trưởng NSLĐ của chính khu vực FDI (đã trừ phần đóng góp dịch chuyển) chiếm tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều.
Chuyên gia này gợi ý chú trọng chất lượng của dòng vốn FDI, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và có những hành động cụ thể hơn…