Ngày nay, trong thời kỳ hiện đại, khi mọi người luôn tất bật với công việc và nhà hàng, quán ăn, cũng như các ứng dụng gọi thức ăn nhanh có quá nhiều, bữa cơm gia đình dường như đang mờ nhạt dần.
Thắp lửa gian bếp, sưởi ấm hạnh phúc
Cùng gia đình con trai chuẩn bị các món ăn trong hội thi “Cả nhà vào bếp” tại Ngày hội gia đình hạnh phúc (do Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM phối hợp cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM tổ chức), bà Hồ Thị Hồng (56 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) hạnh phúc nhìn cháu nội mới 11 tuổi chế biến thành thạo món ăn do bà hướng dẫn.
Gia đình bà gồm 4 thế hệ ông bà cháu chung sống hòa hiếu, vui vẻ. Mẹ chồng bà năm nay đã hơn 90 tuổi và đứa cháu nhỏ nhất trong nhà vừa được 7 tuổi. Những tiếng cười trong nhà bà luôn đầy ắp. Chính bữa cơm tối mỗi ngày đã gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau.
“Ban ngày, con cháu đi làm, đi học có thể ăn buổi cơm trưa bên ngoài, nhưng bữa cơm tối nhất định phải có đủ các thành viên. Gia đình tôi luôn duy trì bữa ăn tối với nhau. Tôi cho rằng cứ tập dần rồi sẽ thành nếp, khi đã quen rồi thì khó bỏ được”, bà Hồng chia sẻ.
Ông Lưu Chí Hùng (ngụ huyện Nhà Bè) cho biết, không chỉ vợ ông đảm trách việc bếp núc mà bản thân ông cũng đi chợ và nấu ăn cho cả nhà. “Tôi quan niệm vợ chồng phải cùng nhau gánh vác việc nhà, bởi vợ mình cũng phải đi làm vất vả bên ngoài, về nhà lại trăm thứ việc không tên. Với tôi, cùng vào bếp với nhau sẽ giúp vun đắp thêm tình cảm vợ chồng”, ông Hùng bày tỏ. Hiểu giá trị bữa cơm gia đình quan trọng ra sao, vợ chồng ông đã cùng nhau dạy các con nấu ăn cũng như chuẩn bị bữa cơm tươm tất cho cả nhà.
Đến với hội thi nấu ăn tại Ngày hội gia đình hạnh phúc, gia đình ông Vũ Nhựt Quang (ngụ quận 10) lên thực đơn đủ các món ăn với các vị: chua, cay, đắng, ngọt, bùi. “Mỗi thành viên trong một gia đình đều phải trải qua các cảm giác đắng, cay, ngọt, bùi mới có thể hiểu nhau và nắm tay nhau xây dựng gia đình hạnh phúc vững bền”, ông Quang chia sẻ lý do gia đình mình chọn thực đơn có khổ qua, chanh dây, kho quẹt...
Ông Quang cũng cho rằng chính bữa cơm gia đình đã giúp vợ chồng ông cùng các con ngày càng hiểu và thêm yêu thương nhau. Đó là lý do dù bận trăm công ngàn việc, ông vẫn về nhà để ăn bữa cơm cùng vợ con.
Duy trì bữa cơm gia đình
Thời gian đầu khi mới cưới nhau, vợ chồng trẻ Tô Phương Thảo (ngụ quận 4) cũng thích la cà ăn uống các quán cóc ngoài đường. Rồi có khi chồng đi với bạn chồng, vợ đi với bạn vợ nên ít có dịp vợ chồng Thảo ngồi ăn cùng nhau.
“Cứ nghĩ là để cho nhau có không gian riêng, nhưng sau một thời gian chúng em nhận ra tình cảm đang xa cách. Vậy là chúng em quyết định sẽ cùng nhau nấu bữa cơm chung vào những ngày cuối tuần”, Thảo tâm sự.
Hàng ngày vợ chồng Thảo thường ghé nhà mẹ vợ để ăn cơm. Không cùng nấu ăn thì vợ chồng Thảo cùng rửa chén. Rồi cuối tuần thì đi chợ nấu cơm. Nhờ đó, những cãi vã của vợ chồng Thảo cũng được giải hòa khi cả hai cùng vào bếp.
Theo Thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhã, nguyên Phó Trưởng phòng Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM), để duy trì hạnh phúc gia đình, mỗi cặp vợ chồng trẻ cần phải học hỏi về ứng xử, giao tiếp, yêu thương, nhường nhịn, tôn trọng nhau để điều chỉnh hành vi, thái độ và tìm sự hòa hợp trong cuộc sống vợ chồng. Ngoài ra, việc duy trì bữa cơm gia đình góp phần rất lớn nuôi dưỡng, sưởi ấm, giữ gìn hạnh phúc gia đình. |
“Bữa cơm gia đình có vai trò quan trọng để giữ hạnh phúc gia đình. Khi vợ chồng san sẻ chuyện bếp núc thì sẽ giúp chia sẻ những khó khăn, cũng như động viên nhau vượt qua sóng gió. Bởi khi cùng nhau chung lo, vun vén, thì tình cảm vợ chồng sẽ thêm bền chặt”, đồng chí Võ Thị Dung bày tỏ và nhấn mạnh, gia đình bền vững chính là khi mỗi thành viên không chỉ có trách nhiệm với gia đình mình mà còn có trách nhiệm với xã hội.
Và, nhóm bếp lửa nấu bữa ăn cho cả gia đình để được nhìn thấy nụ cười của các thành viên chính là nguồn sinh lực giúp ngọn lửa yêu thương thêm lan tỏa.