Tầm 1 giờ sáng, lúc cả thành TP Huế đã chìm vào giấc ngủ từ rất lâu thì ở bến xe bên chợ Đông Ba lại bừng sáng - với một thế giới hoàn toàn khác. Đó là lúc chợ đêm hoạt động.
Tiếng xe, tiếng bước chân hối hả, tiếng những thùng hàng xột xoạc, cả những tiếng thúc dục để đốc thúc công việc nhanh chóng... là những âm thanh đang diễn ra tại đây vào những ngày cuối năm.
Mà điều đáng nói, là những người làm nghề bốc vác ở đây là những người phụ nữ, thậm chí là những người phụ nữ lớn tuổi, với thân hình gầy gò, ốm yếu đang khiêng những thùng hàng không hề nhỏ so với thân hình của họ.
Tấm chiếu manh, chiếc mền mỏng và cái màm rách sắp dài tại bãi đổ xe của chợ chính là nơi mà những người cửu vạn tranh thủ chợp mắt, chờ từng chuyến xe chở hàng ì ạch về bến.
“Làm công việc này, ngủ nhưng không ngủ vì luôn phải dậy bất cứ lúc nào khi xe hàng cập bến", bà Phạm Thị Hòa, 42 năm làm nghề cửu vạn chia sẻ.
Những gánh hàng vốn dĩ đã nặng, vào những ngày tết lại càng nặng hơn lần lượt đè trên đôi vai chai sần, gầy gò của các chị, các bà. Một vài người đàn ông mạnh khỏe hơn đẩy hàng từ trên xe xuống cũng là lúc các chị kê vai vào “đón nhận” rồi vác đi đến từng ngóc ngách trong chợ.
Khi hàng hóa nhiều, một đêm một nữ cửu vạn có thể vác từ 200 đến 300 thùng hàng. Những giọt mồ hôi lại rơi ướt nhòa khóe mắt, đôi bàn tay sạm màu, khô cằn nắm lại, ghì chặt vào những chiếc xe đẩy với hàng hóa chất đầy mà nhìn từ sau không thấy dáng người.
Đối lập với những nữ cửu vạn có sức lực, những nữ cửu vạn khác lại phải ngồi ngóng chờ xem có ai kêu việc nhẹ hơn thì làm.
Bà Hà Thị Mơ (66 tuổi, quê xã Hương Sơ, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) đang co mình vì lạnh tâm sự: “Ngày trước, còn trẻ, khỏe làm trong nghiệp đoàn, có xe về thì làm, bây giờ già rồi không còn nhanh nhẹn, lại thêm hàng nặng hơn trước nên phải đứng đây xem sạp nào kêu thì làm”.
Làm quần quật cả đêm, nhưng thu nhập của các chị, các bà cũng chỉ dao động từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/người.