Nhọc nhằn nghề bán than đêm

Nhọc nhằn nghề bán than đêm
Nhọc nhằn nghề bán than đêm ảnh 1
Anh Ngô Ngọc Tuệ với xe than hàng ngày kiếm sống.

“Nghề bán than cực lắm chú ơi. Nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, nghỉ việc là tắt bữa. Niềm vui nhất của tôi là sau 15 tiếng rạc bước khắp nẻo đường thành phố là được trở về với căn nhà nhỏ bé của mình, ăn với than, ngủ trong than và chuẩn bị than để ngày hôm sau đi bán. Đời tôi gắn liền với nghề bán than đen, cuộc đời cũng đen như cục than vậy!”. Đó là lời của anh Ngô Ngọc Tuệ mở đầu câu chuyện với tôi...

1. Ở thành phố Vũng Tàu vẫn còn khá nhiều quán bán phở, bún dùng than củi. Anh Ngô Ngọc Tuệ làm nghề bán than củi đã hơn 10 năm mà tôi gặp trên đường Nguyễn Văn Bé cho biết: “Nghề bán than cực nhọc mà đồng tiền kiếm ra chẳng được bao nhiêu. Để kịp có than cho những quán bún, phở bán sáng, tôi phải dậy từ 1g đêm và đạp xe 60km/ngày. Nghề này không có khái niệm về thời gian, nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, người dân còn ăn phở là chúng tôi còn bán than.

Nhọc nhằn nhưng vui, đó là cơm áo gạo tiền để nuôi sống cả gia đình tôi”. Tôi hỏi: “Xe than này anh bán được bao nhiêu tiền?”. “Nó nặng một tạ hai đấy (120kg) nhưng chỉ lời được 60.000đ, tức là một ký lời 500đ. Trừ chi phí xe cộ, chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Nghề bán than, cuộc sống cũng đen như cục than vậy. Nếu chẳng may gặp trời mưa, than ngấm nước rã rời, lúc đó bán rẻ không ai mua, cho không ai lấy, chỉ có nước đổ đi. Cả xóm tôi bán than củi, nhưng không ai cũng có mối ngon (ý nói nơi mua than thường xuyên), nhiều khi phải cần đến “cò” dẫn dắt nữa”.

Cũng như anh Tuệ, chị Mã Thị Huế là dân nhập cư đến Vũng Tàu từ Thanh Hóa. Cả hai vợ chồng chị làm nghề bán than đã 15 năm. Buổi tối, anh Tâm (chồng chị Huế) vượt hơn 80 cây số đến Trảng Bom (Đồng Nai) mua than và chở về thành phố Vũng Tàu lúc 2g sáng.

Chị Huế đón chồng ở đường Nguyễn Văn Bé và đem than đi giao. Công việc đó phải xong trước 3g sáng để kịp cho quán phở có than nấu. Chị Huế bảo: “Nghề bán than lấy đêm làm ngày. Vợ chồng tôi phải đẩy xe suốt đêm trong thành phố. Mệt nhọc mấy cũng không dám nghỉ, vì nếu nghỉ lấy gì mà ăn, lấy tiền đâu cho con học hành”.

2. Không chỉ riêng anh Tuệ, vợ chồng chị Huế, ở thành phố Vũng Tàu có rất nhiều người bán than củi đêm. Từ khi người dân không dùng than đá (than tổ ong) nữa vì độc hại, thì nhu cầu dùng than củi ngày càng nhiều, vì thế “đội quân” bán than cũng ngày một đông hơn. Họ đến từ nhiều tỉnh khác nhau và như một sự tiếp nối, đời bố mẹ đến đời con cái họ gắn liền với than, con của họ lớn lên từ than, chơi với than, học trong than.

Anh Trần Văn Thanh ở xóm củi phường 12, quê Hà Trung (Thanh Hóa), làm nghề than đã 30 năm. Anh Thanh cho biết: “Hồi gia đình tôi ở thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa, bố tôi đã làm nghề buôn than. Tôi lớn lên trong gia đình buôn bán than, khổ với than nên theo nghiệp than. Con tôi sẽ theo nghề tôi”.

Như để minh chứng thêm lời bố nói, đứa con trai anh Thanh tên Trần Văn  Than “mét”: “Bố mới cho con đi học đây thôi. Năm ngoái, bố bắt ở nhà xếp than. Con học giỏi để sau này không phải bán than như bố mẹ nữa”. Anh Thanh kể: “Nó được đẻ ra trên đống than này đấy. Tôi đặt cháu tên là Than để nó luôn nhớ bố mẹ làm nghề than vất vả cả đời, cho nó cố gắng học tập sau này không làm nghề than như chúng tôi nữa”.

3. Tôi như không tin nổi vào mắt khi đến nhà anh Thanh. Căn phòng thuê khoảng 17m2 chỉ đủ kê chiếc giường nhỏ và trải  chiếu ăn cơm là hết chỗ. Với chiếc giường cỏn con ấy, vợ chồng anh và đứa con 8 tuổi chen chúc nằm ngược đầu nhau để ngủ.

Tất cả quần áo được vắt trên màn, đuôi giường hoặc dưới đất. Anh Thanh cho biết: “Đi làm cả ngày, chiếc giường này chỉ ngả lưng từ 9g đêm đến 1g sáng. Vợ chồng tôi đi lấy than sớm, thằng Than ngủ dậy sau, sáng tự pha mì tôm ăn rồi đi học. Anh hỏi tôi sao không đi bán than ban ngày ư? Nghề này chỉ đi bán ban đêm, vì xe than cồng kềnh không thể vào thành phố ban ngày được.

Hơn nữa giao than lúc 2g sáng sẽ không bị cản trở gì (ý nói không có công an bắt giữ)  và kịp cho các quán nấu phở. Cả nhà tôi chỉ sống bằng nghề bán than này. Nghề bán than cực nhọc lắm anh ơi. Than đen lấm lem cả cuộc đời”. Chị Mẫn (vợ anh Thanh), do nhiều đêm thức trắng đi lấy than, chất độc hại từ than đã làm đôi mắt chị ngày càng mờ đi, chỉ nhìn thấy lờ mờ.

Cả tuần nay bị bệnh, chị chỉ gượng dậy nấu cho chồng bữa cơm, công việc bán than, anh Thanh làm luôn phần chị. “Để mình nhà tôi đi bán than cũng cực lắm, mỗi lần xe than lên dốc rất nặng nề, không người phụ giúp dễ trượt bánh đổ xe. Tôi sẽ cố gắng làm có tiền để đi mổ mắt. Mắt tôi mà mù thì lấy ai chăm sóc cho con, cho chồng”, chị Mẫn tâm sự mà nước mắt rưng rưng…

Có thể nói, nghề bán than ở Vũng Tàu mỗi người có một hoàn cảnh, một điều kiện khác nhau, công việc họ đang làm cực nhọc, vất vả, độc hại, nhưng họ biết kiếm kế sinh nhai bằng sức lực của mình.

Trong những thỏi than đen đủi ấy, chất chứa bao mồ hôi công sức và nước mắt, nhưng vẫn lấp lánh niềm vui yêu đời, vì đó là cuộc sống, là sự sinh tồn hằng ngày của họ đáng quý biết bao.

MAI THẮNG

Tin cùng chuyên mục