Từ sáng sớm, mặt kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã nổi lềnh bềnh rác xen lẫn lục bình. Đúng 6 giờ sáng, 40 công nhân của Đội vớt rác trên kênh (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM) đã hoàn tất việc chuẩn bị cho một ngày làm việc mới, dù hôm trước, các anh kết thúc ngày làm việc khá trễ. 12 con tàu và ca nô tỏa đi các hướng trên kênh, từng bịch rác, khóm lục bình được vớt lên giúp lòng kênh dần thoáng đãng.
Muỗng cơm xen nỗi vất vả
Chỉ vào hệ thống te 2 bên tàu, anh Phan Ngọc Hải, Đội trưởng Đội Vớt rác trên kênh, cho biết đây là một trong những sáng kiến mà anh em nghĩ ra để “đỡ chân tay”, bởi trước đây công nhân chủ yếu dùng tay để vớt rác. Cùng với hệ thống te là hệ thống câu rác được gắn trên khoang tàu, khi rác đầy khoang, anh em sẽ câu rác vào thùng, giúp xe phía trên thuận lợi hơn khi đưa rác lên bờ chờ xe ép.
Tuy đã có cải tiến nhưng ở nhiều nơi, công nhân vẫn phải dùng ca nô để di chuyển vào các khu vực hẹp - nhất là các khe ở 2 bên bờ kè - và dùng tay vớt rác, bởi te, vợt đều không hữu dụng. Thi thoảng gặp phải cây gỗ, ván giường, thậm chí tấm nệm dày cả vài tấc bị ném xuống kênh, các tàu phải xúm lại kéo về bến rồi loay hoay cột đầu này, móc đầu kia để câu lên bờ.
Trời nắng gắt, ai nấy mồ hôi túa ra ướt đẫm cả áo nhưng các công nhân vẫn luôn tay quăng vợt kéo rác. Hơn 11 giờ, khi nước ròng, một số tàu và ca nô cập bến, một số tàu khác thì tiện đâu neo ở đó để công nhân ăn trưa. Cơm hộp gọi sẵn cùng chai nước suối, mạnh ai nấy ăn rồi người thì tìm gốc cây dựa lưng, người ngả lưng xuống thảm cỏ ven kênh, một số neo đậu ca nô dưới dạ cầu, tranh thủ nghỉ ngơi một chút.
Gần 13 giờ, nước lên, anh em lại tất tả xuống tàu tiếp tục công việc. Nước lên, đồng nghĩa với kênh lại có rác, rác từ rạch Xuyên Tâm qua cống Bùi Hữu Nghĩa trôi ra, rác từ sông Sài Gòn theo nước, theo gió dạt vào từng khối, anh em công nhân gần như phải dọn rác lại từ đầu.
“Có khi tảng cỏ hay khóm lục bình rộng cả chục mét vuông dạt vào, mọi người lại cật lực làm nửa buổi mới xong. Anh em nghỉ trưa theo con nước, nước xuống thì nghỉ, nước lên lại tiếp tục làm. Có ngày được nghỉ 2 - 3 giờ nhưng cũng có ngày vừa ăn hết hộp cơm đã phải xuống tàu ngay”, anh Phan Ngọc Hải chia sẻ.
Trung bình khoảng 1,5 giờ, các tàu sẽ cập bến một lần để câu rác lên, mọi thao tác từ vớt rác, câu rác đều phải khẩn trương để công nhân tiếp tục công việc làm sạch kênh. Riêng ca nô của anh Lê Văn Tới (52 tuổi) thực hiện vớt rác bằng tay cũng đem về 3 túi lưới rác khổng lồ. Quan sát các túi rác, chúng tôi ghi nhận chủ yếu là vỏ chai, túi ni lông, hộp xốp…
Công nhân của đội vớt rác, có người đã nhiều năm trời gắn bó với công việc vớt rác trên kênh. Riêng anh Lê Văn Tới đã trực tiếp làm việc này được 4 năm, trong 22 năm gắn bó với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày lễ tết cũng như ngày thường, anh đều đặn công việc vớt rác, đảm bảo thông thoáng cho dòng kênh.
“Thời gian đầu làm chưa quen nên tôi rất khó thở, chóng mặt vì mùi hôi, vì mệt và nóng, nhưng rồi làm riết cũng quen. Chỉ có điều, mình làm đằng trước, đằng sau lại có rác nổi lềnh bềnh do người dân thiếu ý thức thải ra khiến anh em ai cũng buồn”, anh Tới tâm sự.
Công việc mỗi ngày đều đặn như vậy, vớt rác, ăn cơm theo con nước rồi lại vớt rác. Công việc tạm ngưng thì trời cũng đã xâm xẩm tối, công nhân vệ sinh tàu, ca nô, xịt rửa thùng rác, bến tàu trước khi kết thúc ngày làm việc. Ngày mai họ lại bắt đầu một ngày mới với công việc cũ, chỉ mong người dân ý thức hơn, đừng xả rác xuống kênh, rạch để lao động của họ có thành quả đẹp.
Tiếng chổi đêm
“Két”, tiếng xe máy phanh gấp, âm thanh từ tiếng bánh xe lê trên đường nghe nhức óc. Quay lại, chúng tôi chỉ kịp nhìn thấy chị Trương Thị Nhãn (công nhân Đội vệ sinh Bình Tân thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM đang quét rác trên đường Số 7, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) buông chổi lao lên vỉa hè, còn người đàn ông trên chiếc xe máy đang lớn tiếng la rày vì cho rằng bị chị lao công quét rác cản đường. Thấy ồn ào, chị Huỳnh Thị Loan bước tới thay mặt nhóm lao công xin lỗi. Quăng lại cái nhìn hằn học và hơi thở nồng nặc mùi bia rượu, người đàn ông văng tục rồi kéo ga vọt đi.
Lắc đầu ngao ngán, chị Loan bảo: “Chúng tôi quen rồi, hơn thua với họ thì cũng không được gì, mình lại bị khiển trách. Xin lỗi họ một tiếng, dĩ hòa vi quý cho xong, cũng may người không bị gì”. Còn chị Nhãn sau vài giây trấn tĩnh lại tiếp tục công việc của mình. Từ lúc ấy, mỗi khi thấy tiếng xe máy lao tới, nhóm lao công lại khựng vài giây để quan sát rồi mới yên tâm quét tiếp.
Mỗi ngày công nhân vớt hàng chục túi lưới rác gồm chai nhựa, túi ni lông và hộp xốp nổi lềnh bềnh trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: THU HƯỜNG
Không chỉ lo đối phó với mấy ông say xỉn bạ đâu lủi xe vô đó, mà công nhân quét đường còn ngao ngán với những lần trúng “đạn rác” từ những người dân vô ý thức. “Trời ơi, sao không bỏ xuống vỉa hè để tui lượm”, chị Đỗ Thị Phương Uyên (cùng tổ với chị Loan và chị Nhãn) thở dài nhìn mớ rác tung tóe ngay dưới chân, rác văng lên cả quần và vấy bẩn đôi giày của chị. Nhìn theo bóng hai người phóng xe máy khuất dần vào bóng tối, chị Uyên rầu rĩ nói: “Họ tính quăng bịch rác vô thùng nhưng không trúng nên rơi ra ngoài, mấy vụ này chúng tôi gặp hoài. Thà họ cứ để trên vỉa hè phía trước để mình tới gom có phải đỡ hơn không”.
Câu chuyện cứ dài theo quãng đường các chị làm việc mỗi ngày với hàng trăm nỗi nhọc nhằn, buồn tủi, những nguy hiểm, bệnh tật khi tiếp xúc với mùi xú uế, hôi thối, khói bụi và tai nạn giao thông… Thế nhưng họ vẫn miệt mài, cần mẫn, bởi đã theo cái nghề làm sạch phố phường thì nhìn rác xả ngoài đường là chịu không đặng.
Hơn 4 giờ theo chân các chị, đoạn đường 6km mới có lượt đi mà chúng tôi cảm giác như lòng bàn chân phồng rộp, vậy mà những người phụ nữ ấy, ngày qua ngày vẫn miệt mài đi hàng chục cây số mỗi đêm để làm đẹp đường phố.
Ai cũng bỏ nghề thì ai sẽ làm sạch đường phố?
6 giờ sáng, chiếc xe lôi tự chế của vợ chồng N. T. M. chở đầy rác, ì ạch dừng trước điểm tập kết rác tại trạm trung chuyển phường Hiệp Bình Chánh (số 422 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức). Trong lúc chờ chồng đẩy thùng xe đổ rác vào nơi tập kết phía trước trạm, chị M. tâm sự: “Đêm qua trời thương vợ chồng tui nên không mưa, chớ mưa là hốt đủ. Chỉ nghĩ đến cảnh nước mưa thấm vào rác rồi rỉ ra, quện với các chất bầy nhầy do người dân tiện cái gì cũng quẳng ra tạo thành mùi hôi thối, xú uế kinh khủng lắm”. Đoạn, chị M. chùng giọng: “Giờ quen rồi chứ mới đầu cũng ói dữ lắm, tưởng đâu trụ không nổi với nghề”.
Theo số liệu từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM và công ty dịch vụ công ích 22 quận, huyện, hiện TPHCM có trên 6.930 công nhân vệ sinh. Lực lượng này thực hiện thu gom khoảng 40% lượng rác sinh hoạt trên toàn thành phố, phải tiếp xúc với hàng tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, giờ làm việc kéo dài trong môi trường ô nhiễm, độc hại, ăn cùng rác, ngủ cùng rác, nguy cơ bị tai nạn lao động cao, nhưng mức lương mà công nhân vệ sinh nhận được chỉ dao động 5 - 6 triệu đồng/tháng. Ngoài làm ca đêm tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận/huyện, nhiều lao động phải nhận thu gom rác dân lập ban ngày mới đủ trang trải cuộc sống
Điều khiến chị M. trăn trở là dụng cụ bảo hộ dành cho người thu gom rác vì thường xuyên bị kim tiêm, miểng chai cắm vào tay. “Tui bị chảy máu tay hoài chứ gì, cứ vài ba bữa lại bị vật sắc, nhọn cắm vào tay. Lúc đầu mất ăn mất ngủ vì sợ lây bệnh, rồi phải đi chích ngừa uốn ván, thậm chí phải đi phơi nhiễm HIV nếu trúng kim tiêm. Sau cũng quen và có kinh nghiệm hơn khi phân loại rác để không bị thương”.
Ông Đoàn Thành Công, người thu gom rác thuộc Hợp tác xã Đoàn Kết (quận 6), cho rằng công việc cực nhọc, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng mọi người đều bám trụ bởi người thì lớn tuổi, người không có trình độ và chuyên môn, nên không dám chuyển đổi công việc khác. “Bản thân tôi cũng từng chán nản, cũng từng bị xe tông khi đang làm việc nhưng không phải vì thế mà mình bỏ. Cái nghề là cái nghiệp, làm riết rồi cũng quen, ai cũng kêu bỏ thì ai sẽ là người làm sạch đường phố”, ông Công trải lòng.
Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Bích, Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐTB-XH TPHCM), hơn 60% lượng rác sinh hoạt ở TPHCM được thu gom bởi hàng ngàn người lao động thu gom rác dân lập. Lực lượng này thuộc đối tượng làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại loại 4 nhưng chưa được hưởng các chính sách về an sinh xã hội tương xứng. Cũng theo bà Ngọc Bích, các sở, ngành liên quan cần có cơ chế quản lý phù hợp đối với loại hình thu gom rác dân lập, đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ chi phí cho đối tượng lao động này trong việc tham gia các chế độ bảo hiểm, bởi nếu không được hỗ trợ thì với mức thu nhập hiện nay của họ không thể bảo đảm an sinh được.