Rét! Tết miền Bắc rét lắm, cái rét đặc trưng của miền khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh. Và Tết... Con người ta lại có dịp để trông ngóng, chờ đợi và mong ước mặc dù cái quy luật của tạo hóa năm nào cũng vậy, tuần hoàn và biến đổi.
Cái trở mình của thời gian làm dìu dặt cơn gió. Vậy là mùa đông đang dần dà phai mờ, theo quy luật của vũ trụ bao la đất trời cứ thế vần vũ trôi theo, xuân sang như một điều tất yếu của tự nhiên. Không háo hức, không mong chờ nhưng đã lâu rồi, chắc chắn là đã lâu rồi tôi luôn có một cảm giác gờn gợn thật khó nên lời mỗi độ xuân về.
Quê tôi là một vùng chiêm trũng, núi không cao, sông không rộng, là một nơi khó khăn, một vùng quê nghèo... Bao đời vất vả làm ăn mà sao quê tôi cái đói, cái nghèo vẫn đeo đuổi. Cái khó khăn của quê hương, như các cụ xưa đã cay đắng mà đúc kết thành rằng “được mùa Nông Cống sống mọi nơi” đủ thấy quê tôi nghèo, nghèo lắm.
Cái đói, cái rét mà qua lời kể của mẹ dù tôi có giàu trí tưởng tượng cỡ nào cũng không thể hình dung hết được về cuộc sống mà bà tôi thường nói là “ngày xưa”, “cái ngày xưa ấy”. Nhưng tôi có những da diết không thể quên với những cơn gió vi vu qua những tán lá, xì xèo qua những lỗ thủng vách đất của ngôi nhà mái lá mà tuổi thơ tôi đã gắn bó và lớn lên trong sự yêu thương chở che của bố mẹ. Những cơn gió ấy báo hiệu sự chuyển mình của thời tiết, dường như chúng được ai đó cử đến trước, dọn dẹp tất cả những gì còn lại của mùa thu, cất vào nơi nào đó im lìm, để mùa đông về mang theo cái giá lạnh ngự trị khắp thế gian. Và cũng chính những cơn gió ấy lại mang mùa đông đi, đón đợi mùa xuân đến.
Cái Tết của những năm ấy lạnh lắm, những đứa trẻ chúng tôi dù cố thu mình trong những chiếc áo len, áo bông đã cũ màu vẫn cảm thấy lạnh. Nhưng lũ trẻ chúng tôi không bị đói. Không biết là đời sống đủ đầy hơn hay mỗi bữa no của chúng tôi là sự chắt chiu khó nhọc của bố mẹ...
Nhà tôi có nghề làm bánh dẻo, đây là tên gọi mà người dân quê tôi dùng để gọi thứ bánh được làm từ gạo tẻ nghiền thành bột, tráng ở khuôn nồi đồng, thường là loại nồi cỡ 7, cỡ 3, kết hợp với một số thứ khác nữa tạo nên một thức quà quê ngon lành; ở thành phố và một số nơi khác gọi là bánh cuốn, bánh mướt nhưng quê tôi chẳng ai gọi bánh cuốn, bánh mướt cả, cứ thế từ người già đến trẻ nhỏ đều ăn và gọi bằng cái tên: bánh dẻo. Tôi không có ý viết về món bánh của gia đình mà chỉ muốn nhớ hơn về cái nghề đã nuôi tôi khôn lớn, cái nghề phủ màu sương lên mái tóc bố mẹ tôi.
Nghề làm quanh năm nhưng tôi nhớ rõ và thương bố mẹ đặc biệt vào những ngày đông lạnh giá, mỗi độ tết đến xuân về. Hồi đó nhà tôi nghèo, chỉ có một chiếc giường đôi, tôi nằm giữa, vì không còn chỗ nào ấm hơn... Với đứa trẻ như tôi đó là cả một khung trời cuộc sống, có bố có mẹ, tôi được ru bằng những câu chuyện của mẹ và sự chở che của bố. Tôi còn nhỏ, không đủ để biết rằng bố mẹ rất mệt phải đi ngủ sớm để sáng mai còn dậy, mà tôi thì cứ đòi mẹ kể chuyện, đòi mãi... Trời lạnh là vậy mà bố mẹ tôi phải thức dậy từ 3 giờ sáng làm bánh để mẹ kịp buổi chợ sáng mai.
Chao ôi, cái rét của sự nghèo đói sao mà đáng sợ, mẹ tôi gầy, nhỏ người, trong cơn gió xào xạc đầy hơi lạnh mẹ như vất vả, tảo tần hơn. Dáng mẹ gầy bên thúng bánh khói bay nơi đầu chợ chưa bao giờ tôi không nghẹn ngào mỗi khi nhớ mẹ... Lo ăn từng bữa, mà khi tết đến bố mẹ tôi lại càng vất vả hơn, phải chăng sự vất vả ấy đã gửi gắm những mong cầu cho thế hệ tương lai được sung túc hơn.
Giờ đây tôi đã là một người lính, vẫn hằng đêm thức dậy thực hiện nhiệm vụ. Nhưng có là gì với sự lo toan, nhọc nhằn của bố mẹ nơi quê nhà. Trời lạnh rồi, đứng gác giữa đêm đông giá lạnh lòng tôi se sắt một nỗi niềm... Đâu đó ngoài kia vẫn là những cơn gió lạnh vào lòng, cuộc sống vẫn chảy trôi theo nhịp điệu của thời gian; bố mẹ tôi vẫn nghề làm bánh... để mẹ kịp buổi chợ sáng mai. Dáng mẹ vẫn hao gầy trên con đường gió lạnh với thúng bánh nghi ngút khói bay...
Tết, con không về được.
Thương bố mẹ nơi xa!
NGUYỄN VĂN CƯỜNG
Huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa