Công nghệ cao thu hoạch tiền tỷ
Với kinh nghiệm trồng lan Hồ Điệp từ năm 2019 tại Lâm Đồng, chị Châu Hồng Trang (ngụ TPHCM) đã mở rộng vùng trồng sang huyện Ninh Sơn với 1.300m2 nhà màng, trồng hơn 30.000 cây. Thời điểm này, nhà màng muốn đầu tư thêm hệ thống tưới tự động qua điện thoại thông minh nhưng sẽ phải tốn hơn 3,5 tỷ đồng. May mắn, chị Trang liên hệ với ngân hàng Agribank huyện Ninh Sơn và được cho vay thế chấp đất 2 tỷ đồng.
“Có thể thấy Agribank thông thoáng hơn một số ngân hàng trên Lâm Đồng. Lần trước, tôi cũng muốn vay thế chấp đất nhưng do không cùng hộ khẩu tỉnh nên nhiều ngân hàng không cho vay. Trước khi đầu tư, tôi đã được Agribank huyện Ninh Sơn tư vấn kỹ nên mới mạnh dạn”, chị Trang tươi cười cho hay.
Cán bộ Agribank tham quan mô hình trồng lan của chị Châu Hồng Trang |
Hiện nay, vườn trồng lan giống bán ra khoảng 75.000 – 80.000 đồng/cây; sau đó, lan giống chuyển lên Lâm Đồng để kích hoa bán ra thị trường 120.000 – 135.000 đồng/cây. Trung bình, một cây lợi nhuận khoảng 25.000 đồng. Mỗi năm, nhà màng thu hoạch được 2 mùa vụ. Sau một thời gian có thu nhập, chị Trang tiếp tục đầu tư thêm nhà màng trồng dưa lưới với 1.000m2 và đã thu hoạch đợt đầu tiên 3 tấn.
Thu mua dưa lưới hơn 5 năm, anh Đinh Công Quàng (xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn) cũng có thể tự sản xuất dưa lưới. Khi đã có hợp đồng bao tiêu ổn định, anh đã thế chấp đất vay vốn ngân hàng Agribank huyện Ninh Sơn hơn 1,7 tỷ đồng để đầu tư nhà màng trồng dưa lưới hơn 7.000m2.
"Trước đó, tôi có đất nhưng nhiều ngân hàng khác không chịu thế chấp do đất nông nghiệp, Agribank thì rất thuận lợi, lại hỗ trợ nhanh về thủ tục và lãi suất thấp hơn. Hiện tại, trang trại sở hữu 3 nhà màng, trung bình mỗi nhà có 12.000 gốc dưa lưới. Chưa kể hệ thống tưới tiêu, mỗi nhà màng đầu tư hơn 350 triệu đồng" - anh Quàng chia sẻ.
Mới đầu tư nhưng cách đây vài tháng, anh Quàng đã thu hoạch được 1 mùa vụ với 36 tấn bán gần 600 triệu đồng. Trung bình mỗi nhà cho lợi nhuận khoảng 90 triệu đồng. Nhờ lãi suất ngân hàng thấp, trung bình mỗi tháng chỉ phải trả gần 1% tiền lãi nên anh cũng có dư.
Anh Quàng cho hay: "Trung bình mỗi ngày, tôi mua 5 tấn dưa lưới để bán ở chợ truyền thống, cửa hàng trái cây. Dự kiến, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích còn trống để tăng nguồn thu nhập và hướng đến xuất khẩu dưa lưới mang thương hiệu của huyện Ninh Sơn".
Hỗ trợ đồng bào sản xuất
Theo Agribank chi nhánh Ninh Sơn, địa bàn huyện có 10 hộ vay vốn trồng nông nghiệp công nghệ cao, nhưng chủ yếu là người dân từ địa phương khác đến mua đất làm nông nghiệp. Những hộ trồng dưa lưới trung bình lợi nhuận 70 triệu đồng/sào. Riêng về nguồn vốn, ngân hàng sẵn sàng đáp ứng khi khách hàng đủ các thủ tục hồ sơ thế chấp. Hiện có 10 hộ làm vay hơn 8 tỷ đồng.
Ông Hoàng Quang Siêu, Giám đốc Agribank chi nhánh Ninh Sơn chia sẻ, địa bàn huyện chủ yếu vay nông nghiệp nông thôn với khoảng 1.500 tỷ đồng, nhưng nợ xấu chỉ chiếm 0,5% và hơn 7 năm nay đã không cho vượt quá 1%. Bởi nếu nợ xấu nhiều gây ảnh hưởng thu nhập của nhân viên.
Để tránh tình trạng vay làm nhà màng dưa lưới không đúng, các cán bộ phải đi thực tế, chụp hình làm báo cáo.
Đối với nhà màng cho vay trả dần trong 5 năm, sản xuất giống cây thì vay ngắn hạn theo vòng đời. Tuy nhiên, trường hợp nông dân vay sản xuất đều phải có hợp đồng bao tiêu từ doanh nghiệp.
Anh Đinh Văn Quàng chăm sóc dưa lưới |
Với quan điểm không có khách hàng sẽ không có ngân hàng, ông Hoàng Quang Siêu cho biết, nhiều trường hợp nông dân xã miền núi nợ 5-10 năm vẫn chưa trả hết tiền. Ngân hàng vừa giảm lãi vừa động viên nông dân sản xuất để có tiền trả nợ.
Ngoài ra, những nông dân trồng mía, sắn sau kết thúc mùa vụ mà thu không đủ chi; ngân hàng cũng miễn giảm lãi suất để phát triển nông nghiệp.
Ngân hàng còn hỗ trợ xây dựng Nông thôn mới. Đặc biệt, những trường hợp vay từ hội, đoàn thể, tổ chức của huyện rất uy tín trong việc trả nợ nên luôn được Agirbank hỗ trợ.
Ninh Sơn là huyện miền núi với 24.000ha đất nông nghiệp. Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện này cho hay, diện tích nông nghiệp công nghệ cao của địa phương còn ít nên toàn huyện chủ yếu làm nông thuần và truyền thống. Cạnh đó, cán bộ huyện cũng hỗ trợ cho người dân trong chăn nuôi, trồng trọt, khoa học công nghệ để người dân áp dụng vào nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng hành cùng chính quyền có nhiều doanh nghiệp như ngân hàng, doanh nghiệp. Trong những năm qua, ngân hàng Agribank Ninh Sơn luôn đảm bảo được nguồn vốn cho nông dân phát triển nguồn vốn ban đầu để phát triển nông nghiệp.
Đồng hành cùng Agribank, huyện cũng hỗ trợ theo quy định của tỉnh với 30% kỹ thuật, giống, nhà màng, hệ thống tưới, công nghệ cao, còn lại từ nguồn đối ứng từ người dân nên buộc phải vay ngân hàng. Ninh Sơn có vài HTX nhưng hoạt động hiệu quả không cao nên nhiều trường hợp lãnh đạo phải làm việc trực tiếp, đảm bảo cho nông dân vay tín chấp từ Agribank.
Mới đây, Ninh Sơn đã có hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho 4.000ha nông nghiệp nhằm chuyển đổi, tổ chức lại sản xuất giúp nâng cao hiệu quả.
Hiện nay, huyện đang kết hợp các chuyên gia nghiên cứu trồng cây cho phù hợp. Thực tế, các HTX trên địa bàn vẫn chưa có báo cáo tài chính ổn định nên các hội phụ nữ, chiến binh… vẫn là đơn vị đầu mối đứng ra hỗ trợ cho nông dân.