Tính đến nay, bộ tranh lịch sử dân tộc Việt Nam (chất liệu màu nước trên giấy bồi) của ông đã dài hơn 250m. Đó là công trình thầm lặng của tinh thần lao động bền bỉ, sự sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ của người nghệ sĩ ở tuổi bát thập từ 6-7 năm qua.
Học sử giữ cội nguồn
Họa sĩ Quách Phong cho biết, dự án được ông ấp ủ từ nhiều năm trước, đến khoảng năm 2013 ông chính thức bắt tay thực hiện. “Khi nghe tôi vẽ tranh lịch sử, bạn bè chưa ai hình dung nó ra sao, có khi không muốn coi. Còn người thân lại nghĩ, hay là tôi lớn tuổi nên sinh ra… lẩm cẩm”, ông nói hóm hỉnh. Sau đó, khi phác thảo của ông được những người ở sàn Art giúp tổ chức triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM mới có nhiều người biết hơn, nhiều đồng nghiệp bày tỏ khâm phục và động viên ông sáng tác.
Ông cũng cho rằng, cái gốc, cái nền tảng của dân tộc chính là văn hóa, mà văn hóa được kế thừa từ nhiều thế hệ, chung quy cũng từ lịch sử hình thành nên. Và ông cũng khiêm nhường khi chia sẻ, vẽ lịch sử còn là cách giúp ông học lại lịch sử nước mình, không quên nguồn cội và văn hóa dân tộc mình.
Điều khiến người xem dễ hiểu, dễ nhớ tranh lịch sử của Quách Phong là bởi: “Cái hay của tranh lịch sử ở chỗ nó không lời, chỉ thể hiện bằng hình ảnh, bằng sự kiện rất chân thực. Không bình luận mà không ai có thể phủ nhận được. Khi xem tranh, người xem sẽ tự bình luận, tự cảm nhận cho riêng mình”, họa sĩ lão thành chia sẻ.
Khởi đầu là tranh vẽ thời Hùng Vương, khoảng năm 217 trước Công nguyên, với bao triều đại, biết bao thăng trầm; đến nay, bộ tranh lịch sử của họa sĩ Quách Phong đang thực hiện là thời kỳ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và phong trào Dân chủ Đông Dương 1936-1939. “Khi hoàn tất thời kỳ chống Pháp, thời kỳ chống Mỹ đến giai đoạn xây dựng đất nước, có lẽ bộ tranh phải dài đến cả… cây số”, lão họa sĩ cho hay.
Không chỉ là một công trình nghệ thuật
Từ lịch sử bằng tranh trên giấy bồi, ông bắt tay vào chuyển các phác thảo sang loại hình sơn mài. So với giấy bồi, tác phẩm lịch sử sơn mài của ông cô đọng hơn với những sự kiện tiêu biểu cho từng triều đại, từng giai đoạn. Hơn 4 năm nay, ông song song thực hiện công trình bằng 2 thể loại khác nhau.
Riêng mảng sơn mài, hiện ông đã hoàn tất 2 giai đoạn: Từ khởi nguồn Hồng Bàng cho đến giai đoạn Hai Bà Trưng, được thể hiện trên 25 tấm sơn mài (mỗi tấm 60 x 120cm) và từ thời Hậu Trần đến Lê Lợi, thể hiện với 35 tấm; tổng chiều dài là 36m. “Năm 2020, tôi sẽ tiếp tục thực hiện sơn mài thời nhà Nguyễn, trong đó có rất nhiều sự kiện nổi bật như trận Rạch Gầm - Xoài Mút, Vua Quang Trung đánh trận Ngọc Hồi - Đống Đa, quân Tây Sơn đánh Nguyễn Ánh…”, họa sĩ cho hay.
Người biết đề án thực hiện tranh lịch sử của họa sĩ Quách Phong ngay từ những ngày đầu mới hình thành và luôn ủng hộ ông là TS Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. TS Mã Thanh Cao nhận định: “Bộ tranh lịch sử của họa sĩ Quách Phong không chỉ là một công trình nghệ thuật, đó còn là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa.
Đề án đã nói lên bản sắc, thể hiện giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam, đó là tinh thần yêu nước. Bằng tài năng của mình và chất liệu sơn mài truyền thống, họa sĩ lão thành đã thể hiện tinh thần “nghệ sĩ cũng là chiến sĩ” của mình bằng tác phẩm nghệ thuật. Ông muốn kể câu chuyện lịch sử của dân tộc bằng hình ảnh cho các thế hệ sau này. Tôi càng trân trọng hơn khi ông thực hiện công trình bằng chính những đồng lương hưu của mình”.
Hôm đến thăm nhà họa sĩ, các con ông đang tranh thủ thời gian buổi tối để hỗ trợ ông sửa chữa, cải tạo khu nhà kho cũ lấy chỗ trưng bày bộ tranh sơn mài. Thật bất ngờ khi ông cho biết, nếu phóng tác cả bộ tranh từ giấy lên sơn mài, phải cần tới sức của 50 người thực hiện và phải mất đến 15 năm mới hoàn thành đề án! Ông ước ao một ngôi nhà để trưng bày bộ tác phẩm tranh giấy và sơn mài này, bởi vì theo ông, đó sẽ là một kỳ quan. Vì từ trước đến nay chưa có một bộ tranh nào thể hiện lịch sử xuyên suốt của một dân tộc như vậy. “Ngày trước sức khỏe còn tốt, tôi làm việc 10-12 giờ mỗi ngày là chuyện thường. Nay làm khoảng 6-7 giờ vì sức khỏe không như xưa. Còn sức đến đâu, tôi sẽ làm đến đó!”, họa sĩ nói.
Họa sĩ Quách Phong sinh năm 1938, là một trong những người đầu tiên thành lập và lãnh đạo Hội Mỹ thuật TPHCM. Ông là họa sĩ, là người lính, từng trực tiếp sống, chiến đấu và vẽ trên các mặt trận ác liệt miền Đông Nam bộ và chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Ngoài thế mạnh là các ký họa đậm hơi thở đời sống và cuộc chiến đấu của dân tộc, ông còn là tác giả của những tác phẩm khổ lớn bằng sơn mài, triển lãm tại Bulgary, Hungary, Mỹ, Australia, Đức, Nhật Bản… |