Nhớ tết đến, đánh bóng lư đồng cùng ngoại

Khi tôi kể cho các con của tôi nghe chuyện xúm xít quanh ông đánh bóng bộ lư đồng để đón tết, các con hỏi: "Sao làm chi cho cực vậy ba?". Tôi trả lời rằng: "Giờ, ba muốn được cực như thế cũng không được nữa rồi! Tất cả đã trở thành kỷ niệm...".

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Nhà ngoại tôi có một bàn thờ tổ tiên rất nghiêm trang. Đó là một chiếc tủ thờ bằng gỗ lim được cẩn xà cừ bóng lộn. Trên mặt tủ là một chiếc lư đồng đặt trên bệ cao khoảng 8 tấc.

Bộ lư ấy trên cùng là chiếc nắp có đúc một con lân rất oai vệ. Mỗi bên thân chiếc lư ấy là hai quả cau được chế tác tinh xảo, có thể tháo rời. Chung với bộ lư ấy còn có hai cặp chân đèn cùng chiều cao cũng bằng đồng... Nhà ngoại tôi qua bao cuộc bể dâu thay đổi nhưng vẫn giữ được bộ lư ấy.

le-cuoi-cua-tac-gia-bai-viet-sau-lung-la-bo-lu-dong-tren-ban-tho-gia-tien-vao-nam-1985-6909.jpg
Lễ cưới của tác giả bài viết, sau lưng là bộ lư đồng trên bàn thờ gia tiên vào năm 1985

Trước ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp) hàng năm, ông ngoại tôi sắp xếp đánh bóng bộ lư thờ ấy. Ông bảo: Bộ lư thờ là thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, dòng họ nên phải hết sức cẩn trọng khi chạm đến. Cậu tôi lo phần bộ lư, tức là chân bệ, thân và nắp đậy. Tôi là cháu ngoại lớn nhất, được nhận phần cặp đèn. Em trai tôi tiếp phần dọn dẹp, em khác hái chanh, trải chiếu…

Ông ngoại tôi thành kính thắp ba nén hương kính báo tổ tiên xin phép mang bộ lư khỏi vị trí. Sau khi nén hương tàn, ông tôi kính cẩn dời từng phần trên bàn thờ xuống đặt trên chiếc chiếu giữa nhà. Ông gỡ chiếc nắp lư có tượng con lân ra, tiếp theo là hai trái cau bên thân chiếc lư. Vì thân bộ lư đúc nguyên một khối đồng, rất nặng nên ông dùng cả hai tay nâng lên rồi chuyển cho cậu tôi. Cuối cùng là chiếc bệ để đặt bộ lư lên trên.

Phần tôi, ông giao cho hai chân đèn.

Công việc bắt đầu. Từng món lần lượt được em trai tôi cho vào một thau nước đặt kề bên để làm sạch bụi bặm bám vào sau một năm thờ cúng.

Ông tôi rót dầu đánh bóng ra chén. Loại dầu đó chứa trong một hộp nhỏ bằng nhôm, bên ngoài có vẽ hình một con lân và hình một chiếc lư đồng. Nước ấy màu xám, loãng và có mùi hăng rất khó chịu. Tôi làm đúng lời ông tôi dặn: Đánh bóng lư đồng phải dùng bàn tay trần mà đánh. Vì chỉ khi dùng bàn tay trần mới có thể đánh bóng lư đồng hiệu quả nhất.

Đầu tiên, tôi quấn chút khăn lau vào đầu ngón tay, chấm vào thứ dầu ấy và thoa đều lên tất cả. Lúc này, nhìn thấy chỉ một màu xám ngả đen bao phủ từng bộ phận một. Ông nói màu càng đen, chút nữa đánh càng bóng vì hóa chất đã tẩy lớp đồng bị xỉn ra ngoài. Hoàn tất công đoạn thoa dầu đó mất chừng ba mươi phút. Ba cậu cháu tôi đợi lớp dầu khô đi rồi bắt đầu vào công việc chính.

Phần thân đèn không có góc cạnh nên chỉ dùng một chiếc khăn sạch, dùng lực thật mạnh xoay ngược chiều từ trên xuống dưới nhiều lần cho đến khi màu vàng bóng của đồng hiện ra là được. Nói nghe dễ như thế, nhưng khi lau bóng thì chỉ xoa trong ít phút là thấy mỏi tay. Ông nhìn chăm chú và chỉ cho chúng tôi những điểm mà lực ma sát còn ít, ông nhắc làm lại vì nơi đó sẽ không sáng được, công sức xem như không.

Đến đây như biết con cháu thấm mệt, ông nhắc bà tôi mang bánh, mứt, nước uống ra xem như giải lao một chút. Tay tôi cầm miếng mứt cho vào miệng, vị ngọt của đường, mùi thơm của mứt không át nổi mùi hăng hăng của dầu bóng thấm vào tay tôi. Tôi vẫn thấy vui.

Em tôi mang từng món ra phơi ngoài nắng. Ông nói khi nào thấy tia nắng phản chiếu ánh lên sáng rực là được. Nếu độ sáng chưa tới, tôi phải cắt mấy quả chanh trong vườn nhà lấy nước cốt thoa đều, phơi khô rồi lau thật mạnh lần nữa mới đạt.

Riêng hai quả cau và con lân, hai món này thấy nhỏ nhưng thật sự đánh bóng rất khó khăn vì nghệ nhân chế tác với nhiều góc cạnh; móng vuốt, nanh.., quả cau có cả cuống và hai chiếc lá nên không khéo là tay bị chảy máu ngay.

Ông tôi xem xét thật kỹ rồi tự tay xếp lên bàn thờ. Ông thắp hương lần nữa như báo với tổ tiên công việc đã xong. Giờ là đến lượt bà ngoại tôi bày bông hoa, trái cây cho đủ bộ. Ông nói, không vì sợ bụi bặm mà lấy bao ni lông trùm bộ lư, chân đèn suốt năm. Càng không nên thuê người làm vì đây là đồ thờ tự, thuê người làm thì không thể trân trọng như người nhà. Bộ lư sáng tỏ thể hiện tấm lòng con cháu với ông bà.

le-cuoi-them-phan-long-trong-voi-doi-den-chay-sang-tren-bo-lu-dong-4355.jpg
Lễ cưới thêm phần long trọng với đôi đèn cháy sáng trên bộ lư đồng

Sau khi ông bà ngoại tôi về thế giới vĩnh hằng, việc tập hợp con cháu đánh bóng bộ lư trên bàn thờ ngày giáp tết không còn nữa do con cháu ngại hóa chất làm hại da tay và chỉ tốn vài trăm ngàn là có được bộ lư sáng bóng ngay. Có năm gần đến ngày tết, bộ lư mới được đưa đi đánh bóng.

Riêng tôi không khỏi bồi hồi vì biết mãi mãi đã mất đi giây phút sum họp cùng nhau đón chờ ngày tết đến. Khi tôi kể cho các con của tôi nghe chuyện xúm xít quanh ông đánh bóng bộ lư đồng để đón tết, các con hỏi: "Sao làm chi cho cực vậy ba?". Tôi trả lời rằng: "Giờ, ba muốn được cực như thế cũng không được nữa rồi! Tất cả đã trở thành kỷ niệm...".

Đâu đây sau nén hương đón giao thừa như thấy hình ảnh ông tôi vui xuân cùng con cháu.

NGUYỄN HỮU NHÂN

Địa chỉ: Phường 2, TP Sa Đéc, Đồng Tháp

Email: nhnhan1961@gmail.com

Tin cùng chuyên mục