Bạn đọc An, 32 tuổi, Nam, TPHCM: Tôi 32 tuổi, có 1 răng khôn mọc ngầm và 1 răng khôn mọc lệch. Bác sĩ tư vấn giúp, răng khôn có thể nhổ thông thường được không hay phải tiểu phẩu ạ? Và việc nhổ răng khôn có ảnh hưởng như thế nào đến xương hàm? Xin cám ơn bác sĩ.
BS-CKI Lê Võ Minh Trí - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn:
Chào bạn An,
Răng khôn hay còn gọi là răng số 8 hoặc răng hàm số 3, là răng mọc cuối cùng của hàm. Răng khôn thường mọc ở độ tuổi trưởng thành của con người (từ 17 - 25 tuổi) và không phải lúc nào răng cũng phát triển thuận lợi. Do không gian hàm thường không đủ, răng khôn dễ mọc lệch hoặc mọc ngầm, gây nhiều vấn đề như đau nhức, viêm nhiễm và thậm chí ảnh hưởng đến các răng bên cạnh.
1) Răng khôn có thể nhổ thông thường được không?
Tùy vào vị trí mọc và giai đoạn phát triển của răng khôn, bác sĩ sẽ chọn phương pháp nhổ phù hợp. Có thể chia làm 2 phương pháp phổ biến:
- Phương pháp nhổ thông thường: Áp dụng đối với trường hợp răng mọc thẳng, bạnmọc ngầm hoặc kẹt dưới nướu, không để lại các biến chứng như viêm, nhiễm trùng, không gây ảnh hưởng đến răng kế bên.
- Phương pháp tiểu phẫu: Áp dụng đối với các trường hợp răng mọc lệch, mọc ngầm vì những răng này thường nằm sâu trong xương hoặc ở vị trí phức tạp, đòi hỏi rạch nướu và thậm chí chia nhỏ răng để loại bỏ răng khôn.
2) Nhổ răng khôn có ảnh hưởng như thế nào đến xương hàm:
Hầu hết các trường hợp nhổ răng khôn không gây ra ảnh hưởng đến xương hàm. Tuy nhiên, sau khi nhổ răng khôn, một số trường hợp có thể gặp các biến chứng như:
- Viêm xương tủy: Xảy ra khi người bệnh nhổ răng trong môi trường không sạch sẽ với các dụng cụ không được vô trùng, vi khuẩn có thể xâm nhập và tấn công vào các cấu trúc xương, gây viêm tủy xương hàm. Tình trạng này sẽ gây sưng đau kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Viêm hoại tử sàn miệng: Do vị trí của răng khôn ở điểm giao nhau của các mô ở cổ và sàn miệng, khi các mô tế bào ở vùng này bị viêm không được điều trị sớm sẽ gây ra hoại tử vùng mô mềm ở cổ và sàn miệng, làm tắc nghẽn hô hấp và gây tử vong.
- Viêm hoại tử sàn miệng: Do vị trí của răng khôn ở điểm giao nhau của các mô ở cổ và sàn miệng, khi các mô tế bào ở vùng này bị viêm không được điều trị sớm sẽ gây ra hoại tử vùng mô mềm ở cổ và sàn miệng, làm tắc nghẽn hô hấp và gây tử vong.
- Há miệng bị hạn chế: Một vài người bệnh sau khi nhổ răng sẽ gặp hiện tượng co thắt cơ hàm, người bệnh chỉ có khả năng đóng hoặc mở một phần miệng, tình trạng này có thể xảy ra vào khoảng 2-3 ngày sau phẫu thuật và có thể kéo dài khoảng 1 tuần.
- Gãy xương hàm: Do bác sĩ tay nghề còn yếu kém đã gây áp lực quá mạnh lên hàm trong quá trình nhổ răng, hoặc do người bệnh bị loãng xương sẽ gây nên tình trạng xương hàm bị yếu và gãy.
Đối với trường hợp của bạn An, một răng khôn mọc ngầm và một răng khôn mọc lệch nhiều khả năng cần thực hiện tiểu phẫu để đảm bảo an toàn và hạn chế tổn thương vùng xung quanh. Bạn nên sớm đến các cơ sở y tế uy tín để bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt thăm khám và chụp phim X-quang, từ đó xác định mức độ phức tạp của răng khôn và lựa chọn phương pháp nhổ phù hợp. Việc thực hiện đúng kỹ thuật không chỉ giúp loại bỏ răng khôn hiệu quả mà còn bảo vệ sức khỏe xương hàm và các răng lân cận.
3) Một số lưu ý cần nắm sau phẫu thuật nhổ bỏ răng khôn:
- Không hút thuốc để tránh làm vỡ cục máu đông gây ra nhiễm trùng.
- Không tự ý điều trị tại nhà bằng các biện pháp dân gian khi các hiện tượng sưng, đau bị kéo dài.
- Hạn chế súc miệng bằng nước muối: Sau khi nhổ răng, không súc miệng bằng nước muối để tránh làm chảy máu nhiều hơn.
- Không khạc nhổ trong vòng 6 giờ đầu tiên sau khi phẫu thuật
- Không dùng lưỡi hoặc các vật dụng chạm vào vị trí nhổ răng. Khi ăn, tránh nhai ở khu vực này để bảo vệ cục máu đông và tránh nhiễm trùng.
- Nên dùng thức ăn lỏng, dễ nuốt như cháo, súp và uống nhiều nước.
- Tái khám định kỳ để được nha sĩ theo dõi khả năng lành vết thương.
Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, cách phòng chống bệnh, đừng ngại gửi câu hỏi về Hộp thư tư vấn Alo Bác sĩ.