Nhớ rằm tháng Giêng xưa đi lễ hội chùa Bà

Những con đường hướng về chùa Bà, nơi đâu cũng bắt gặp những hình ảnh múa lân sư rồng, không riêng gì bọn trẻ con mà người lớn cũng rất thích thú. Cả một khu vực xung quanh chùa Bà và đặc biệt là ngôi chùa được trang hoàng lộng lẫy với vô số cờ và đèn lồng đỏ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Tôi vẫn còn nhớ như in những đêm rằm tháng giêng hồi tôi còn nhỏ xíu, cả đám trẻ con trong xóm trên đường trở về sau một ngày lễ hội nhộn nhịp. Chiếc xe lam chở quá số người quy định, chạy lắc lư trên con đường đá lỏm chỏm, lâu lâu lại nảy lên khiến đám trẻ va vào nhau rồi cười nắc nẻ. Về gần đến nhà mà dư âm của lễ hội vẫn còn trong tiếng cười, tiếng nói xôn xao. Trăng đã lên trên ngọn cây gõ đầu làng, đám trẻ con có lẽ đã mệt nhoài nhưng đứa nào đứa nấy nét mặt hớn hở. Đêm đó thể nào cũng có đứa thấy lân sư rồng nhảy múa và bất giác mỉm cười trong giấc mơ, rồi lại mong chờ cho mau đến mùa lễ hội năm sau.

Cứ đến rằm tháng Giêng hàng năm là người dân Bình Dương lại tất bật chuẩn bị cho một mùa lễ hội rộn ràng, chào đón du khách từ các tỉnh thành khác đổ về. Tuy không nhiều lễ hội như các tỉnh phía Bắc nhưng lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu hay còn gọi là Lễ Rước Cộ Bà là một lễ hội lớn, đặc sắc nhất của Bình Dương, thu hút nhiều thành phần tham dự từ trẻ con đến người lớn, từ người dân địa phương đến các vùng lân cận.

Tương truyền, vị nữ thần Thiên Hậu là con gái của một ngư phủ quê ở Phúc Kiến, Trung Quốc vào đời nhà Tống. Mẹ Bà mang thai Bà 14 tháng mới hạ sinh. Năm 11 tuổi, Bà tu theo Phật giáo, Bà tu luyện đắc đạo và xem thiên văn giúp đỡ rất nhiều người. Năm 28 tuổi, Bà qua đời và được vua Tống sắc phong là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Bà vô cùng hiển linh, nhiều lần cứu ngư dân thoát nạn trở vào bờ. Vì vậy mỗi khi thuyền bè gặp nạn người ta thường cầu nguyện nữ thần ban cho sóng yên biển lặng. Về sau người dân xây dựng miếu thờ phụng Bà, để đề cao một người phụ nữ đức độ, dám xả thân vì mọi người, hướng con người ta noi gương theo cái hay cái đẹp. Và cũng để tưởng nhớ công ơn Bà, tại Bình Dương, cộng đồng người Việt gốc Hoa đã đóng góp xây dựng nên ngôi chùa tại Thủ Dầu Một, gọi là Chùa Bà Thiên Hậu.

Ban đầu, lễ hội chùa Bà được tổ chức nhằm để phục vụ nhu cầu tính ngưỡng của bộ phận dân cư này. Về sau, những câu chuyện linh thiêng về Bà ngày càng một lan rộng nên người dân địa phương và các vùng lân cận cũng thờ phụng Bà. Từ đó, mỗi độ xuân về, lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu trở thành một lễ hội lớn nhất không chỉ ở Bình Dương mà cả khu vực Nam bộ.

Những ngày gần diễn ra lễ hội thì các đoàn múa lân sư rồng của người Việt gốc Hoa từ Sài Gòn – Chợ Lớn bắt đầu đổ về. Những ngày đó, tiếng trống lân hầu như có ở khắp mọi nơi. Những con đường hướng về chùa Bà, nơi đâu cũng bắt gặp những hình ảnh múa lân sư rồng, không riêng gì bọn trẻ con mà người lớn cũng rất thích thú. Cả một khu vực xung quanh chùa Bà và đặc biệt là ngôi chùa được trang hoàng lộng lẫy với vô số cờ và đèn lồng đỏ. Người dân đến để thắp hương và thỉnh lộc Bà từ ngày mùng 1 Tết với ước mong được bình an và may mắn. Đến ngày 15 là ngày chính lễ, vía Bà được rước lên kiệu và diễu hành một vòng trên các con đường của thành phố Thủ Dầu Một.

Có hơn mấy mươi đội lân sư rồng và đám rước gồm các công dân ưu tú tháp tùng theo kiệu Bà. Người dân hai bên đường có kiệu Bà đi qua thì hân hoan chuẩn bị đồ lễ để cúng và cầu mong Bà ban phước, sau đó cùng tháp tùng vào đoàn người, vì thế đám rước ngày càng kéo dài ra hàng cây số.

Bọn trẻ con chúng tôi thì thích thú xem múa lân, múa rồng và các màn biểu diễn tái hiện lại những điển tích Phật giáo. Đặc biệt, chúng tôi rất thích các bạn nhỏ được hóa trang làm tiên đồng, ngọc nữ, gánh hoa diễu hành cùng với đoàn rước cộ. Cứ thế chúng tôi nắm tay nhau cho khỏi lạc và hòa vào dòng người đi khắp các ngã đường. Đám rước đi đến đâu không khí vui tươi đi đến đó, ai cũng trầm trồ trước các màn biểu diễn của các đội múa lân, sư, rồng chuyên nghiệp hầu như tập luyện cả năm chỉ để phục vụ cho dịp lễ hội này.

Đến 15 giờ ngày 15 thì đưa vía Bà về lại chùa. Kết thúc lễ hội nhưng không khí rộn ràng vẫn còn lưu lại nơi những con đường mà kiệu Bà đi qua. Chúng tôi vẫn còn nán lại xem các đội lân thu dọn và ăn uống. Đến chiều, chúng tôi ra bến xe và cùng nhau kể lại mình đã xem được những gì, cứ thế tiếng cười tiếng nói rộn ràng. Về đến nhà cũng là lúc trăng đã lên cao.

Những năm gần đây có truyền hình trực tiếp và có các phương tiện giải trí khác nên trẻ con bây giờ không còn háo hức như xưa. Nhưng cùng với sự phát triển thì người từ các tỉnh thành khác cũng đổ về nhiều hơn, góp phần tạo nên một lễ hội thành công, độc đáo của Bình Dương, để mỗi dịp tết đến xuân về người dân Bình Dương lại mong chờ một mùa lễ hội mang đậm dấu ấn quê mình. Nhưng cho dù có phát triển như thế nào thì những mùa trăng lễ hội Chùa Bà xưa vẫn mãi còn trong ký ức của những đứa trẻ quê tôi.

BÙI THỊ KIM LOAN

Địa chỉ: khu phố Phú Thọ, phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương

Tin cùng chuyên mục