Ở trong nước đã vậy, người đi nước ngoài càng mong ngóng được về quê ăn tết mỗi khi cuối năm. Nỗi nhớ quê đâu chỉ là được về thăm quê trong thời khắc cuối năm, nó còn là những ý nguyện, hành động làm gì cho quê hương đẹp giàu.
Huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp vừa khánh thánh Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam vào ngày 23-12. Khu du lịch có diện tích 17ha, với vốn đầu tư 600 tỷ đồng. Đây được xem là một khu du lịch hướng về cội nguồn dân tộc khi có khu đền tưởng nhớ bậc tiền nhân đã từng khai hóa đất Nam bộ, có khu thờ dòng họ Đặng và những khu tái hiện đất Nam bộ xưa. Người chủ của khu du lịch là một doanh nhân nổi tiếng tại TPHCM, gốc ở Lấp Vò, Đồng Tháp. Ông đã có nguyện ước về quê hương xây dựng một khu du lịch văn hóa như một hoạt động về nguồn, như một hành động thiết thực nhớ quê xưa.
Người như ông chủ khu du lịch trên luôn nhớ quê hương, đóng góp cho xứ sở nhiều lắm. Họ ở mọi miền đất nước, nhớ quê hương đi lập nghiệp ở xứ xa, thậm chí ở nước ngoài, khi thành đạt, thường nghĩ đến việc xây dựng một công trình gì đó ở quê hương, nơi chôn nhau, cắt rốn như một cách tạ ơn với quê hương, xứ sở; với ông bà, cha mẹ đã sinh ra mình. Người ít thì cũng về xây dựng lại khu mộ cho ông bà cha mẹ, kẻ kha khá thì cũng xây dựng một trường học, một trạm xá, một cây cầu qua sông… hay một công trình làm nghĩa cho quê hương.
Nhiều nhà khoa học kiều bào ở nước ngoài về cuối đời thường chọn quay về quê hương. Họ đóng góp trên nhiều lãnh vực, mà ít nghĩ đến chuyện lương bổng, hay lợi ích kinh tế vì nếu chọn vì tiền họ đã ở lại trời Tây. Lý giải vì sao về nước, chỉ có một câu trả lời chung là vì quê cha, đất tổ…
Nỗi nhớ quê nhẹ nhàng nhưng đã khắc sâu vào tâm trí mỗi người Việt Nam và nỗi nhớ này càng da diết khi khí trời đã vào cuối năm. Người trẻ đi xa nhà nhớ cha, nhớ mẹ; người lớn tuổi nhớ quê ngày thơ ấu, nhớ cánh đồng quê, con diều biếc. Nỗi nhớ ấy như là nhớ mẹ hiền với nỗi niềm “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.