Nhớ phà

Những chuyến xe cứ nối đuôi nhau vượt qua cầu Cao Lãnh. Tiếng còi tàu lanh lảnh vang xa trên sông Tiền từ những chiếc phà, lặng lẽ báo hiệu thời khắc cáo chung sau hơn trăm năm làm nhiệm vụ nối nhịp đôi bờ. 
Nhớ phà

Những chiếc phà lặng lẽ qua sông trong cơn mưa nặng hạt giữa buổi sáng cuối tháng 8 đầy dông gió. Hôm nay là một ngày rất đặc biệt bởi những chuyến phà này không còn hình ảnh những dòng xe du lịch, xe tải đậu chật cứng trong khoang phà, hành khách chen chúc nhau trên những chiếc băng ghế ngồi hiếm hoi. Phà trống vắng đến lạ thường trong thời khắc cuối cùng của cuộc đời đưa rước của mình.

- Ngày mai là tụi tui “thất nghiệp”. Nói vậy thôi chớ Nhà nước tính toán công ăn việc làm hết rồi. Tui thì nghỉ hưu. Mấy đứa nhỏ chuyển sang công việc mới. Hổng lo thất nghiệp nhưng nó buồn buồn, trống vắng làm sao, khó tả được lắm.

Tiếng thuyền trưởng Tần nói với giọng ngập ngừng, tiếc nuối với mọi người xung quanh.

- Hồi đó anh học ngành gì? Cuộc sống gia đình anh giờ ra sao? - tiếng anh phóng viên tên Long hỏi nhỏ.

- Hồi đó tui học lái máy tàu, ra trường được phân công về đây công tác. Hồi đầu ngán ngại lắm nhưng riết rồi quen. Cũng nhờ có bến phà này mà tui mới gặp bà xã bán vé phà ở đây. Lụi hụi cũng được hai đứa con trai. Một thằng là kỹ sư cơ khí làm việc ở Châu Đốc, một thằng làm bác sĩ ở Sa Đéc, lâu lâu mới về thăm nhà một lần.

- Khi phà này chính thức ngừng hoạt động, anh tính sao?

- Tui đã chuẩn bị 2 công rẫy trồng cam sành ở quê miệt Lai Vung rồi. Mấy mươi năm “bỏ cù” giờ bắt đầu làm lại để mưu sinh. Ban đầu chắc cũng lu bu lắm đây nhưng riết rồi quen thôi. - Vừa nói anh vừa đưa mắt nhìn ra khoảng sông rộng mênh mông và nén những tiếng thở dài thườn thượt.

- Ông rảnh hôn? - Tần hỏi đột ngột.

- Có chuyện gì hả anh?

- Không. Bữa nay hứng chí, tui muốn kể cho nghe nhiều chuyện vui buồn của đời lái phà nghe chơi. Mai mốt “giải nghệ” chắc khó gặp nhau.

- Sẵn sàng.

Anh Tần kể: Tui đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn đau lòng trên bến phà này. Kể lại đau xót lắm. Đó là chưa kể đến nhiều vụ tụi tui phóng xuống sông để cứu người tự vận. Thất tình có. Làm ăn thua lỗ có. Giận gia đình có. Cả chục lý do trớt hướt cũng tự vận. Nhiều lúc họ nhảy sông lúc nửa đêm lại nhằm khi trời mưa to, cực trần thân tưởng đâu đã làm mồi cho hà bá. Vậy mà có trường hợp những người được cứu sống không một lời cám ơn, có người còn mắng nhiếc đủ điều vì ngăn trở không cho họ tìm tới cái chết. Đâu đã vậy, hồi trước bọn trộm cắp, giựt dọc, rạch giỏ, móc túi trà trộn xuống phà, toàn bộ nhân viên phà vừa làm nhiệm vụ chuyên môn lại vừa đảm bảo an ninh trật tự cho hành khách rất vất vả. Có lúc bọn bất lương bắn tin hăm dọa đủ điều nhưng không xi-nhê. Nhớ nhất là những ngày giáp tết. Người, xe qua lại chật cứng. Giao thừa mà anh em đang ở trên phà giúp hành khách đoàn tụ với gia đình. Vui nhất là có khi hành khách bất ngờ tặng quà đêm giao thừa, từ những đòn bánh tét, chục bánh ít, nải chuối cau, mấy lít rượu quê mùa đến những lon bia, gói thuốc lá sang trọng của các đại gia về thăm quê thấy anh em dưới phà vất vả nên tặng làm quà…

Hai người đàn ông lặng lẽ chia tay nhau và không quên gửi lại số điện thoại để tiện việc liên hệ sau này. Trong đôi mắt của người thuyền trưởng ấy, Long bắt gặp ánh lên những tia sáng thật buồn, thật ưu tư. Long lại nhìn về phía cầu Cao Lãnh với những dòng xe khách, xe tải, xe du lịch nối đuôi nhau vượt qua. Trụ cầu to sừng sững vắt ngang như báo hiệu sự hiện hữu của những cây cầu vạm vỡ từ “chàng trai châu thổ ĐBSCL” đang dang tay nối liền thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò.

Những chuyến xe lại nối đuôi nhau qua phà trong ngày cuối cùng. Long tiến đến một đứa bé gái cầm trên tay một xấp vé số, hỏi thăm.

- Con tên Nguyễn Thị Hoàng Anh, 11 tuổi.

- Con bán với ai? Rồi có đi học hông?

- Con và em gái con bán ở đây mấy năm rồi. Buổi sáng đi học, buổi chiều đi bán. Mỗi ngày hai chị em cũng kiếm được hai trăm ngàn đồng để giúp mẹ con. Ba con chết rồi, mẹ con bệnh hoài. Ngày mai phà này dẹp tiệm, hổng biết tụi con sẽ sống ra sao. Buồn lắm chú ơi.

Vừa nói, em vừa quệt những giọt nước mắt rồi tất tả cầm xấp vé số biến mất trong dòng người. Đứa bé bỏ đi vội vã đến nỗi không nghe kịp tiếng kêu của Long dự định mua giúp em một ít vé số. Mưa lại rơi hạt rất to.

Trên phà rất nhiều tài xế đã tranh thủ dừng lại đôi phút như để chia xẻ nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Ngày mai thôi, họ không có dịp gặp nhau trên những chuyến phà xưa quen thuộc, ai cũng thấy nao nao khó tả.

- Thời buổi thời @. Những cây cầu phải thay thế những chuyến phà, đó là lẽ tất nhiên. Có vậy miền Tây mới phát triển, nước ngoài không còn ngán đò giang cách trở mới mạnh dạn đầu tư. - Một lái xe nói.

Một người đàn ông khoảng 60 tuổi còn đề nghị Long ghé thăm nhà để kể cho nghe nhiều câu chuyện vui, buồn của bến phà này. Ông kể mình đã sống cạnh phà Cao Lãnh từ khi mới lọt lòng cho đến nay. Mỗi đêm, ông thức rất khuya để ngắm nghía bến phà như báu vật của riêng mình. Khi phà ngưng hoạt động lúc nửa đêm, ông mới đi ngủ. Vậy mà khi phà bắt đầu chạy lại từ 3-4 giờ sáng, ông lại thức, lại pha ly cà phê đen rồi ngồi trầm tư một mình để ngắm bến phà. Ông còn nói, không biết mình làm vậy từ bao giờ, làm vậy để mà chi. Chỉ biết rằng ông rất quyến luyến bến phà một cách lạ kỳ.

Mưa đã tạnh. Những chuyến xe lại hối hả đi về muôn nơi, muôn hướng. Long chậm rãi bước lên đường dẫn cầu Cao Lãnh lần cuối cùng với nhiều cung bậc cảm xúc buồn vui đan xen lẫn lộn. Không khí mua bán hai bên dãy phố đường dẫn xuống phà vắng tanh. Chỉ còn đó những đôi mắt tiếc nuối, tư lự buồn xa xăm.

Long nhìn ra dòng sông Tiền. Ở đó những chiếc phà già nua vẫn đậu thẳng hàng, đội ngũ vẫn chỉnh tề như trước. Long chợt nghĩ: Mai này khi lớp trẻ lớn lên, chúng sẽ biết gì về những chiếc phà kỷ niệm? Có chăng qua phim ảnh, sách vở, tư liệu xưa. Có chăng là những ký ức đong đầy thương nhớ của những ai đã từng sống cạnh những bến phà để nghe sông thở, nghe phà thở, phà kể chuyện đời xưa.

Tin cùng chuyên mục