Năm ấy khoảng 1995, tôi gặp nhà văn Sơn Nam ở sảnh Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) khi ông đi nhận nhuận bút. Ông già bận đồ bộ, xách cái tụng đệm. Quá nhiều và quá lâu ông không đến nhận nên cô văn thư phải lục sổ hơi lâu.
Hàn huyên với ông trong lúc chờ, gặp nhà báo Trần Quang Thịnh, thư ký tòa soạn Báo SGGP, một nhà báo lão làng ở đất Sài Gòn, làm báo từ trước năm 1975, đi xuống. Anh bảo: Mày cũng quen cha này à?
- Dạ, uống cà phê chung với chú Sơn Nam.
- Uống cà phê chung hả, tao với chả ở tù chung đó!
Nhà văn Sơn Nam
Rồi anh Trần Quang Thịnh nhắc chuyện hồi ký giả Sài Gòn đi ăn mày năm 1974, anh và chú Sơn Nam bị bắt giam. Nghe chú và anh Thịnh kể chuyện xưa nhắc lại mấy cái tên đều quen: dân biểu Nguyễn Văn Binh, Hồ Ngọc Cứ; soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà; nhà báo Tô Nguyệt Đình, Trần Kiêm Uẩn, Trần Thị Phương Thảo...
Rời Báo SGGP, chú Sơn Nam nhờ tôi chở đến mấy cái nhà băng. Bụng nghĩ, ông già coi vậy mà nhiều tiền gửi nhà băng vậy cà!
- Nhà băng nào, chú nói cháu biết đường mà đi?
- Không, cứ chạy theo tao chỉ!
Rồi chú ngồi sau cứ hối: Quẹo phải, quẹo trái, đi thẳng, chậm lại... ngừng! Hóa ra là chở chú ghé Báo Tuổi Trẻ.
- Vậy mà nãy chú không nói, cháu chạy một mạch, chú ngồi sau nói tới nói lui chi cho mệt!
Ông già nói tỉnh queo: Vậy mới vui! He he, chạy vụt luôn ông già.
Hóa ra nhà băng của chú là mấy cái tòa soạn báo và nhà xuất bản sách.
Ông nói: Hết tiền, tao cứ đến đây, đưa cái mặt vô là tụi nó phát tiền!
Lấy tiền mới cái nhà băng thứ hai, chú đã bảo chạy về, bộn rồi, đủ xài rồi. Tôi biết chú sống rất thanh đạm, cơm hàng, cháo chợ, tiền có dư là chú làm việc nghĩa. Nơi chú trọ là ở phường 1 Gò Vấp, khu của những người lao động nghèo với hầu hết là lao động tay chân, giúp việc, thậm chí cả bán bia “ôm”...
Cả phòng trọ chật hẹp, vật dụng quý giá nhất của chú Sơn Nam, có lẽ là cây viết Parker ông thường viết. Sức làm việc của ông thật đáng phục, lần nào đến đều thấy ông ngồi viết bản thảo trên quyển tập học trò.
Cách ông làm việc cũng đáng phục, không có máy ghi âm gì cả, chỉ đi nói chuyện lơn tơn bình thường. Vậy mà bẵng đi vài tháng thấy bài viết của ông trên báo hay trong tập bút ký. Văn của ông thì khỏi nói, cứ bình thản chảy như suối phải về sông, sông phải về biển, ngồn ngộn hình ảnh, đậm chất Nam bộ và đầy tính nhân văn.
Một lần đến phòng trọ, gặp một phụ nữ đến lấy đồ giặt cho chú, rồi ngần ngừ xin mượn tiền đóng học phí cho con. Khoảng năm 1995, 1996 chắc cỡ 500.000 đồng bây giờ, chú móc túi ra đưa luôn cho cô ấy số tiền hơn gấp đôi. “Bây cứ lấy đóng tiền, bữa nào có trả chú!”.
Nói vậy chứ, tôi biết chú chẳng phải bá hộ giàu có gì, nhưng đưa tiền như vậy kể như là cho luôn.
Khoảng năm 1995 đến năm 2005, muốn gặp chú Sơn Nam rất dễ, chỉ cần sáng đến quán cà phê ngay sân Thư viện Gò Vấp. Đây là nơi ông gửi kho sách của mình, còn ông thì ở các nhà trọ quanh đó.
Chú Sơn Nam bình dân đến mức lạ kỳ. Bạn văn chương, giới làm sách, báo hay quan chức cũng thỉnh thoảng hay tìm đến chú. Nhưng đa phần bạn uống cà phê với chú là người lao động bình dân.
Có thể là một anh chạy xe ôm đang chờ khách, một người về hưu, hay một người đi tập thể dục sáng về tạt ngang, uống ly cà phê nóng khề khà với ông.
Hợp gu, ông có thể nói chuyện trên trời dưới biển cả một buổi sáng, không hợp gu ông chỉ ngồi gật gù, cười cười. Hiếm thấy ông bạt ngang câu chuyện của người khác, nhưng ông khéo léo chuyển câu chuyện sang hướng khác: “Nói chi chuyện đó, bây!”.
Nghe nói ở Italia, có lệ cà phê treo, ai uống cà phê xong có thể trả tiền trước hai, ba ly. Chủ quán sẽ viết phiếu bỏ vào cái túi hay thùng gỗ phía trước quán, ghi cà phê miễn phí. Người khó khăn, cùng khổ có thể lấy phiếu này vào uống miễn phí. Một phong tục tốt, chia sẻ cho người khó khăn.
Ở quán cà phê Thư viện Gò Vấp, chú Sơn Nam thường ngồi, cũng có cách uống cà phê tương tự. Ai đến uống tự móc tiền túi trả, ai nghèo túng, kẹt tiền cứ đứng dậy tự nhiên, hôm khác sẽ trả, ai có nhiều trả giúp hai, ba ly cũng không sao.
Có hôm tôi ghé quán cà phê tầm 7 giờ, nói dăm ba câu chuyện với chú, đứng dậy, đòi thanh toán tiền, chú bảo: “Nhiều lắm nha mậy! Trả một ít thôi, còn lại để tao”. Hóa ra, gần 10 ly từ sáng giờ. Không sao, chuyện nhỏ, ngồi với chú Sơn Nam một buổi học được bao nhiêu chuyện, học phí 10 ly cà phê bình dân có là bao!
Vào khoảng thời gian ấy, buổi sáng rảnh, tôi thường ghé uống cà phê, nghe chú nói chuyện. Ông già nay nói chuyện này, mai nói chuyện khác, kể chuyện rất có duyên, người nghe học được nhiều từ kiến thức uyên bác, cho đến tấm lòng nhân hậu của ông.
Chú thường ăn mặc bình dân đến mức lèng xèng, áo quần đa phần không ủi, đi dép lê, ông bảo như vậy mới gần gũi với người nghèo, lê la với giới bình dân được. Khi nói chuyện không bao giờ chú ra giọng kẻ cả, cứ nói chuyện rù rì tình cảm, dễ gần với người nói chuyện.
Chú kể, khi làm cố vấn văn hóa cho đoàn làm phim Người tình (L’Amant) có nhiều cảnh quay ở Thủ Thiêm. Thấy mấy bà ve chai cứ canh đoàn phim uống nước suối liệng vỏ ra là nhào đến giành giật, chú gọi lại, bảo: “Mấy bà làm vậy là làm xấu quốc thể. Chiều đoàn phim nghỉ, tôi sẽ lượm hết, gom lại rồi mấy bà đến chia cho”.
Chuyện tuy nhỏ nhưng ngẫm nghĩ cũng là một cách làm của một nhân cách lớn, yêu thương người lao động, kẻ khốn cùng, chia sẻ nhưng hướng dẫn họ làm sao cho phải lẽ. Không phải ai cũng nhạy cảm, xử sự hợp lẽ như vậy.
Có dịp chở chú đi vài lần đến đình thần ở khu vực phường Thạnh Lộc, có khi chú mặc bộ bà ba như một ông già quê đất Nam bộ, ngồi khề khà uống rượu đế với nông dân. Đây cũng là một đặc điểm dễ thấy ở nhà văn Sơn Nam.
Ông không thích trà đình, tửu quán như nhiều người. Ông chỉ thích lân la, chơi với người bình dân, thậm chí người giàu hay quan chức, ông cũng ít thích giao du.
Có lần chú về nhà tôi ở phường An Phú Đông, xưa thuộc huyện Hóc Môn, nay tách thành quận 12, nằm nghỉ, đong đưa trên võng, chú rất thích cảnh thôn quê yên tĩnh, nghe chim hót, nghe tiếng lá rì rào trong gió. Chú bảo: “Đất ở đây bao nhiêu 100m2?”.
Lúc đó thời giá khoảng 5 cây vàng, nghe tôi nói xong, chú bảo, giá đó tao mua được - “Bữa nào cắt ra bán cho tao 100m nhe!”. Chú mua để làm gì? “Cất cái chòi lá, trưa mắc võng nằm đong đưa như vầy nè!”.
- Tưởng gì, chú cứ qua nhà cháu, cơm vợ cháu nấu, nằm võng thoải mái. Mua đất làm chi!
Chú nói: Cũng phải có chút riêng tư, tự do chứ mậy!
Tôi quá hiểu tính chú, muốn tự do phóng khoáng, không lệ thuộc ai. Sau đó, mặc dù nhiều lần ghé nhà tôi, cũng không nghe chú nói gì về chuyện đất cát, cho đến khi chú bệnh về an dưỡng ở nhà khu vực quận Bình Thạnh. Giờ đây, đôi khi đến góc vườn, cánh võng chú thường nằm đong đưa bỗng nhớ chú, nhớ câu thơ: “Phong sương mấy độ qua đường phố/Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.
Nhớ ông già Nam bộ quá đi thôi!