Bạn bè cùng trang lứa với tôi hầu hết đi bộ đội. Không ít trong số đó tham gia chiến đấu tại Campuchia và biên giới phía Bắc. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, tôi có nhiều lần được đi công tác Campuchia. Những chuyến đi đó để lại trong tôi những kỷ niệm không bao giờ quên.
Bạn bè của tôi cũng có người hy sinh và bị thương do mìn của địch. Trong một lần đi công tác, tôi và anh Đỗ Quang Thạch (con trai Thượng tướng Hoàng Cầm) đến Bộ tư lệnh Mặt trận 479. Đến nơi, thấy anh Kim ngày trước học cùng Trường Đại học Kỹ thuật quân sự chạy ra tay bắt, mặt mừng. Mấy anh em nói chuyện rất vui. Lên xe ra về, anh Thạch hỏi: “Mày nhớ tên thằng đấy không?”. Tôi thú thực là đột nhiên quên mất. Đi đến nửa đường, hai anh em cùng nhớ ra tên anh Kim, nhưng lại rất đau xót khi chỉ một thời gian sau đó, chúng tôi được tin anh Kim hy sinh do vướng mìn. Một anh bạn khác cùng khóa của chúng tôi cũng bị mìn nổ làm cụt 2 chân.
Những chuyến đi của chúng tôi nhanh chóng và bớt nguy hiểm hơn khi được người dân tận tình giúp đỡ. Có lần chúng tôi được lệnh đi công tác gấp và phải có mặt tại Phnom Penh trước 7-1-1984 để tham gia bảo đảm thông tin cho lễ kỷ niệm 5 năm ngày giải phóng Campuchia. Xe đơn vị đi công tác hết, đi xe giao liên thì không kịp ngày vì mỗi tuần chỉ có một chuyến từ TPHCM đi Phnom Penh và ngược lại. Không thể chờ, chúng tôi lập tức lên đường. Chúng tôi đã sử dụng đến 4 loại phương tiện dân sự và rất dân dã là xe đò, xe lôi, xe ôm, xe chở hàng cho chuyến đi rất quân sự của mình.
Từ TPHCM chúng tôi đi xe đò lên Gò Dầu, Tây Ninh, đi xe lôi vào thị trấn, hỏi cách đi sang Phnom Penh. Sau đó 3 anh trung úy là chúng tôi đi 2 chiếc xe ôm đến cửa khẩu bên Việt Nam, từ đây đi bộ sang cửa khẩu của Campuchia và đi nhờ xe chở hàng đến Phnom Penh. Nếu không có hướng dẫn và giúp đỡ của người dân vùng biên giới, chúng tôi đã không thể có cách đi độc đáo như vậy để đến đích kịp thời gian. 35 năm đã trôi qua kể từ chuyến đi đó. Đất nước Campuchia đã đứng lên từ đống tro tàn của nạn diệt chủng và cuộc chiến khốc liệt với tàn quân của Pol Pot. Những gì tôi biết, tôi chứng kiến chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc chiến này.
Ngày 7-1-1979 đã đi vào lịch sử của 2 đất nước. Việt Nam đã cứu Campuchia khỏi nạn diệt chủng và giúp đất nước Campuchia hồi sinh. Hy sinh của bộ đội Việt Nam trong cuộc chiến này là rất lớn, mang ý nghĩa cao cả và vì hòa bình, an ninh của 2 dân tộc. Đó là sự thật, mặc cho những kẻ đứng bên lề luôn muốn phủ nhận và bôi nhọ.