Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân (QĐND) được tăng cường cho Báo Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhưng mãi đến cuối năm 1988, khi được điều về Ban Đại diện phía Nam Báo QĐND (số 63 Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM), tôi mới trực tiếp được sống và làm việc bên cạnh bác Phú Bằng.
Một buổi sáng, nhà báo Phạm Đình Trọng, lúc ấy là Phó trưởng Ban Đại diện, giới thiệu tôi với một “ông cụ” có dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt xương, mái tóc hoa râm đậm màu sương gió: “Đây là bác Phú Bằng, gạo cội của làng báo Quân đội chúng ta”. Nhà báo Phú Bằng bắt tay tôi. Cảm nhận đầu tiên của tôi là bác có một bàn tay thật mềm và ấm. Một nhà báo tiền bối, bậc thầy của nhiều thế hệ nhà báo chiến sĩ, nhưng bác Phú Bằng sống thật giản dị, gần gũi mọi người.
Tôi nhớ, sau bữa cơm chiều của lính, bên bình trà dưới tán cây, bác Phú Bằng rỉ rả kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện viết báo trong thời chiến. Đó có thể là lần đi cùng các đơn vị tác chiến trong trận đánh cầu Thị Nghè. Hay như hồi Mậu Thân 1968, bác cùng các nhà văn, nhà báo Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Thanh Giang, Võ Trần Nhã… vừa xung trận, vừa viết báo, sáng tác. Đặc biệt, ấn tượng nhất với bác là những ngày theo phái đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại trại Davis trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng… Với lớp phóng viên trẻ chúng tôi khi đó, bác Phú Bằng hiện lên như một nhà báo - chiến sĩ tiêu biểu, một hình mẫu.
Mãi sau này tôi mới biết, nhà báo Phạm Phú Bằng vốn xuất thân dòng dõi nhà nòi văn hóa. Ông là con trai cụ Phạm Phú Tiết, từng đỗ cử nhân nhà Nguyễn, giữ chức Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên), sau Cách mạng Tháng Tám được Bác Hồ phong hàm Đại tá, Chánh án Tòa án quân sự miền Nam. Cụ Tiết cũng là hậu duệ của Thượng thư Bộ Hộ Phạm Phú Thứ dưới thời vua Tự Đức. Con cháu dòng dõi “nhà nòi” ấy đã xếp bút nghiên tham gia kháng chiến. Bác Phú Bằng cũng là một trong những phóng viên mặt trận đầu tiên của báo QĐND tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cách nay tròn 70 năm.
Mới đây, có dịp ra Hà Nội công tác, tôi ghé thăm bác Phú Bằng. Vẫn nụ cười hiền từ, thân thuộc, bác hỏi thăm các cựu phóng viên báo Quân Giải phóng và báo Quân khu 7. Nhắc đến chiến trường miền Đông Nam bộ với những tên đất, tên người, đôi mắt người lính già, cả đời gắn bó với báo QĐND rớm lệ. Tôi biết nhà báo Phạm Phú Bằng còn nặng duyên nợ với mảnh đất mà “mấy lần ông suýt chết”. Từ miền Nam xa xôi, tôi không thể ra Thủ đô kịp tiễn bác Phú Bằng về nơi an nghỉ cuối cùng. Bài viết nhỏ này xin thay nén tâm nhang viếng bác, một trong những người lính Cụ Hồ cầm bút tiêu biểu.