Ký ức về người lính quân đoàn
Tôi biết Nguyễn Quốc Trung ngay từ khi cuộc chiến Tây Nam bùng nổ. Lúc ấy, tôi làm báo Quân khu 7, thường hay trao đổi bài vở với tờ tin Quân đoàn 4 nơi Trung cộng tác với bút danh Nguyễn Tình Nguyện. Thế nhưng, “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, phải đến đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Nhà văn TPHCM, tôi mới thực sự gặp Nguyễn Quốc Trung. Ấn tượng đầu tiên của tôi với Trung là cái dáng mảnh khảnh, khi đi luôn lao về phía trước, da xám, môi chì và nét mặt lúc nào cũng trầm tư, suy ngẫm.
Ấy vậy mà ngược hẳn với vóc dáng bề ngoài, đọc tác phẩm của Trung, người ta không khỏi ngạc nhiên bởi chiều sâu tâm hồn ở anh. 5 tiểu thuyết (Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Thời chúng mình yêu nhau, Người trong cõi người, Đất không đổi màu) và các tập truyện ngắn (Người đàn bà hồn nhiên, Đêm trừ tịch, Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu...), không chỉ hừng hực hơi thở cuộc sống mà còn đặt ra những vấn đề thuộc về “nhân tình thế thái” trong đời sống nội tâm của con người và xã hội.
Có lẽ tôi là một trong những người đầu tiên được Trung tặng các tác phẩm mới của anh. Tôi nhớ dạo ấy bận công tác quản lý, chúng tôi họp liên miên. Đang họp, bỗng Trung mở cửa phòng bước vào, vẫn cái dáng đi luôn lao về phía trước, mặc mọi người đang họp, anh “xông” thẳng lại, dúi sách đã ký tên cho tôi và dặn “nhớ đọc và cho ý kiến”. Sự hồn nhiên của anh có thể khiến ai đó khó chịu. Nhưng với tôi, đọc và hiểu Trung, càng quý anh hơn. Việc ấy, tôi trộm nghĩ, trong Trung như luôn có một suy nghĩ “sinh ra mỗi người một việc, các anh cứ họp, cứ bận bịu khách khứa, còn tôi cứ cày trên cánh đồng chữ nghĩa”.
Và thực tế như thế, có thể phong cách sống của Trung làm người ta khó hiểu, nhưng đó không phải là điều làm anh quan tâm. Nhìn dáng đi tất tưởi và nét mặt lúc nào cũng đau khổ, trầm tư của anh, tôi biết những lúc ấy Trung lại đang thai nghén, trăn trở về việc gì đó, điều gì đó. Và, chắc chắn những suy ngẫm, trăn trở đó sẽ là hồn cốt cho những tác phẩm sắp ra đời của anh.
Thư ký của thời đại
Cùng công tác dưới “mái nhà” Tổng cục Chính trị với Nguyễn Quốc Trung gần 20 năm tại TPHCM, tôi hiểu nhà văn mặc áo lính quê hương Hà Tĩnh này. “Tập trung chuyên môn” cho ra đời những tác phẩm văn chương, Trung không màng chuyện ngôi thứ, chức vị. Cái anh quan tâm là bạn bè, nhất là bạn bè cầm viết.
Khi tôi về làm báo QĐND cũng như sau này là ở báo SGGP, Trung thường xuyên lui tới tòa soạn. Câu chuyện của anh xoay quanh các sáng tác mới, trong đó có các cuốn sách của tôi. Khi trường ca đầu tiên của tôi - Phía sau mặt trời (NXB QĐND - 2014 ) ra đời, Trung là một trong những người đầu tiên viết bài giới thiệu. Đó cũng là một trong những đồng đội, đồng nghiệp luôn chia sẻ, động viên tôi cần mẫn, sáng tạo trên “cánh đồng” chữ nghĩa.
Mọi so sánh đều khập khiễng. Nguyễn Quốc Trung ra đi đột ngột do đại dịch Covid-19 cách nay 2 năm, đã để lại sự bàng hoàng, xót xa của bạn bè, đồng nghiệp. Sinh thời, do cách sống, đôi lúc người ta không hiểu hết Trung. Đôi khi còn có đồn đoán, dị nghị về nhà văn quân đội này. Nhưng khi Trung rời cõi tạm, có dịp nghiên cứu sâu các tác phẩm của anh và đặc biệt khi anh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với tiểu thuyết Đất không đổi màu, người ta mới hiểu rõ chân dung nhà văn.
Người xưa có câu “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Tiếng đời để lại với Trung là tấm gương cống hiến. Anh dấn thân vào các cuộc chiến giải phóng và bảo vệ Tổ quốc với vị trí “trai thời loạn”. Anh dấn thân, “cháy” hết mình để sáng tạo các tác phẩm văn chương về con người và thời đại mà anh là người trong cuộc. Đúng như nhà văn Pháp Honoré de Balzac nói: “Nhà văn là thư ký trung thành của thời đại”. Nguyễn Quốc Trung là thư ký của một thời anh sống và cống hiến!
Sáng nay, 26-9, Hội Nhà văn TPHCM kết hợp Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức chương trình Nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung - Cuộc đời và tác phẩm. Chương trình là dịp để tưởng nhớ, đồng thời nhìn lại những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quốc Trung sau 2 năm ông qua đời vì đại dịch Covid-19.
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung (1956-2021) là một trong những nhà văn dồi dào bút lực, say mê sáng tác cho tới hơi thở cuối cùng. Vào ngày 19-5 vừa qua, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Trước đó, ông từng được nhận nhiều giải thưởng văn học khác của Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Văn học sông Mê Kông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Văn Nghệ, Báo SGGP… Nhà văn Nguyễn Quốc Trung được đánh giá là một trong các tác giả văn xuôi hàng đầu về chiến tranh biên giới Tây Nam.
QUỲNH YÊN