Nhớ nạn đói Ất Dậu 1945, càng biết quý độc lập tự do

Nhớ nạn đói Ất Dậu 1945, càng biết quý độc lập tự do

Dưới sự thống trị dã man và tàn ác của bọn thực dân, phát xít trong những năm 40 của thế kỷ trước, nhân dân ta sống kiếp nô lệ đầy tủi nhục. Chúng đặt ra đủ thứ thuế, tranh thủ vơ vét của cải, bóc lột dân ta đến tận xương tủy. Chúng phá hủy nhà máy, công xưởng, đường sá và đốt các kho thóc. Dã man hơn, chúng còn bắt dân nhổ bỏ lúa để trồng đay, chúng vét cạn thóc lúa của ta dẫn đến thảm họa khủng khiếp – nạn đói năm Ất Dậu 1945, cướp đi sinh mạng hơn hai triệu người.

Trên báo Tin Mới suốt tuần lễ đầu tháng 5-1945 đăng tin “Điều tra từ 13 đến 16-4-1945 của Ủy ban liên lạc Tổng hội Cứu tế về tình hình các vùng Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hưng Yên” của các thân hào, thân sĩ Hà Nội: Ngô Tử Hạ, Nguyễn Như Kim, Nguyễn Xuân Nha, Đỗ Ngọc Châu. Nhưng nhiều đoạn bị phòng kiểm duyệt đục bỏ. Tổ chức công nhân cứu quốc ở nhà in báo Tin Mới đã bí mật dập lại đem giao cho nhà văn Tô Hoài chuyển đến báo Cứu Quốc (bí mật) của Tổng bộ Việt Minh, trong đó có đoạn:

“Người chết đói nhiều đến nỗi không thể chôn kịp, vì người đi chôn cũng đã ốm đói rồi...

Tại Hải Hậu (Nam Định) có làng 1.000 đinh đã chết đói tới 700. Dân phố phủ Nam Trực (Nam Định) có 16 vạn, mỗi ngày khoảng 400 người chết đói, trong số đó có cả lý trưởng, phó lý, các chức dịch trong làng.

Các chỗ đói nhất trong tỉnh Ninh Bình là các huyện Yên Khánh, Yên Mô, phủ Kim Sơn. Số người chết đói tới 50 phần trăm hoặc có nơi nhiều hơn. Dân số tỉnh Ninh Bình là 96.000 người, trong số có 24.000 đinh. Số người chết đói hai tháng khai là 3.325 người. Nhưng thật ra phải gấp ba, nghĩa là độ 1 vạn. Ruộng mùa có 22.000 mẫu, gặt được 6.362 mẫu. Mỗi mẫu độ 3 tạ. Số thóc đã thu nộp là 2.664 tấn. Ruộng chiêm 22.283 mẫu, chỉ cấy có 10.093 mẫu. Dân số phủ Kim Sơn (Ninh Bình) ngót 11 vạn, một vạn đã bỏ đi.

Mỗi ngày có 400 người chết. Nếu không được cứu, đến tháng 5, số chết sẽ tới 5 vạn. Ruộng cày được 2.400 mẫu, mỗi người hơn 2 sào. Vụ tháng 10 sẽ thu mỗi năm nhiều nhất là 2 tạ thóc, cộng là 4.800 tấn. “Công toa” nhà nước thu thóc đã thu 1.586 tấn, chỉ còn 3.214 tấn, chia ra thì mỗi đầu người được 32 cân, ăn trong 6 tháng. Có làng 400 dân, ruộng không có người làm, bán không ai mua, mỗi mẫu đáng 1.000đ, bán không nổi 30đ. Phủ này người ta đương mong được chóng chết. Trẻ con 7 - 8 tháng đến 1 - 2 tuổi bị cha mẹ bỏ hoặc cha mẹ đã chết, ngồi nheo nhóc khắp nơi, đi đường nào cũng thấy.

Dân phủ Nghĩa Hưng (Nam Định) có 15 vạn người, số chết mỗi ngày khoảng 500. Thóc phải nộp nhà nước là 1.250 tấn, nhưng chức dịch chỉ thu được 986 tấn. Dân đói phải ăn củ chuối và ăn cả thịt người...”.

Tháng 3-1945 GS Vũ Khiêu đã viết bài: “Truy điệu những lương dân chết đói” đầy thống thiết, bi ai:

Một cơn gió bụi vừa tan
Hai triệu sinh linh đã mất
Khí oan tối cả mây trời
Thây lạnh phơi đầy cỏ đất...
.................
Oan thác nọ sẽ đền chu tất.
Cho ai chín suối ngậm cười.
Để khách năm châu tỏ mặt.
Chỉ đáng tiếc sống xưa chửa kịp đem thân nọ đền bù đất nước,
phải ngậm hờn cùng hoa cỏ ủ ê.
Thì nay chết phải làm sao để hồn kia chói lọi trời mây,
mà bảo vệ lấy giang sơn vững chặt.
Giúp đồng bào trăm triệu sống yên vui
Dựng độc lập nghìn thu cờ vững ngất.

Đúng như lời tiên đoán “Dựng độc lập nghìn thu cờ vững ngất”, tháng 8 năm đó, Ất Dậu – 1945, Cách mạng Tháng 8 thành công. Hai tuần sau đó, ngày 2 tháng 9, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội – ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến tội ác của bọn thực dân phát xít gây nên thảm họa về nạn đói khủng khiếp đối với nhân dân ta: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó nhân dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”.

Cuối bản tuyên ngôn kết luận: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thực sự đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, 60 năm qua nhân dân ta hoàn thành sứ mạng trọng đại như trong đoạn kết của Bản tuyên ngôn Độc lập. Nước ta đã thực sự tự do độc lập. Kinh tế, văn hóa xã hội đã phát triển hòa nhập cùng xu hướng phát triển chung của thế giới. Nhân dân ta đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ấn tượng về nạn đói khủng khiếp cách đây 60 năm thì không dễ lãng quên trong tâm trí nhiều người.
Năm 1951 một số người hảo tâm ở Hà Nội đã dựng một tấm bia tưởng niệm với dòng chữ: “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì bị oanh tạc và nạn đói 1944-1945" trên hố xương chung ở nghĩa trang Hợp Thiện thuộc phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Sau thời gian tu bổ tôn tạo, ngày 19-12-2001 nơi đây được công nhận là Khu Di tích lịch sử văn hóa của thủ đô. Thời gian qua, nhiều đoàn khách Nhật Bản đã tìm đến đây thắp hương như để tỏ lời xin lỗi về tội ác của ông cha họ đã từng gây ra thảm họa này.

HÀ ĐÌNH ĐỨC

Tin cùng chuyên mục