Những hình ảnh ấy đã vẽ nên một bức tranh đêm êm đềm, thơ mộng mà bất cứ đứa trẻ nào sống chốn ruộng đồng cũng cảm thấy mến, thấy yêu quê hương da diết.
Cứ mỗi lần đến ngày rằm, chẳng cần hẹn trước, mọi người kéo nhau ra đình làng để vui cùng trăng. Tại khoảng sân rộng, người lớn đốt một đống lửa to để xua muỗi và tăng thêm ánh sáng. Trẻ con chúng tôi bày các trò ú tim, kéo co, nhảy dây, đánh trận... Chơi chán chê, mồ hôi nhễ nhại, chúng tôi ngồi xuống để nghe người lớn kể chuyện.
Bao giờ cũng thế, cứ hễ thấy bọn trẻ ngồi xúm xít là các cụ lại kể chuyện ma. Những câu chuyện ma cỏ rùng rợn chưa bao giờ kết thúc. Mỗi một lần trăng sáng là một câu chuyện mới thú vị hơn, ghê sợ hơn. Nhưng thật ngộ. Dù sợ, rúc vào lòng người lớn, thậm chí là rùng mình, nhăn mặt nhưng chúng tôi vẫn thích thú lắng nghe. Và dường như trăng cũng vậy. Càng về khuya, trăng càng gần hơn, nép trên mái ngói đình làng để nghe người làng rôm rả chuyện trò. Mãi đến khi mọi người lũ lượt kéo nhau ra về, nhịp nhàng trên những con đê làng khúc khuỷu, trăng mới bịn rịn chia tay.
Có những ngày không ra đình làng vui trăng vì đường đê lầy lội, tôi nằm trong nhà đong đưa trên cánh võng và nhìn ra ngoài ngắm trăng trong sự tiếc nuối. Dường như trăng không có bạn nên buồn, sà ngay xuống hàng cau trước sân nhà mời gọi. Tôi đưa hai bàn tay búp măng non nớt của mình uốn thành một vòng tròn, đưa lên ướm thử ánh trăng. Rồi tôi ồ lên ngạc nhiên, trăng cũng bé tí chứ đâu có khổng lồ. Ba xoa đầu tôi, cười rồi bảo: “Con định làm nhà thiên văn học hay sao? Thật ra mặt trăng to không tưởng, con ạ! Nhưng nhìn xa thì trông trăng như thế đấy!”. Tôi ngây thơ hỏi: “Vậy chúng ta có chạm được mặt trăng không ba?”. “Mặt trăng cách trái đất chúng ta tới hàng trăm ngàn kilômét. Nhưng người Mỹ đã chinh phục được rồi, con ạ!”. Trí tưởng tượng và sự tò mò của trẻ con luôn bất tận, nên tôi hỏi thêm rằng, khi nào chúng ta mới đặt chân lên mặt trăng như phi hành gia. Ba tôi cười và lắc đầu. Trong đầu óc non nớt của tôi lúc ấy nghĩ, có lẽ là vì xa quá nên mọi người lười đi.
Nhớ nhất là vào những ngày rằm Trung thu, trẻ con chúng tôi nối đuôi thành hàng dài kéo nhau ra sân đình rước đèn. Trên tay đứa nào cũng cầm một chiếc đèn lồng lấp lánh đa sắc. Con nhà khá giàu thì được ba mẹ mua cho những chiếc đèn cá chép, bươm bướm, gà trống, hoa sen... đắt tiền. Riêng những đứa có hoàn cảnh khó khăn như gia đình tôi thì phải tự tay làm lồng đèn. Cứ hễ sắp đến ngày Tết Trung thu là tôi để dành tiền ăn sáng để mua giấy màu, dây thun, keo, đồng thời chuốt những thanh tre làm lồng đèn ông sao. Dù đơn giản nhưng khi thắp sáng đèn cầy bên trong, chiếc đèn thủ công của tôi cũng thanh lịch vô cùng. Nhưng có những năm kinh tế cực kỳ eo hẹp, ba mẹ làm không ra tiền, tôi buộc phải nhặt vỏ lon bia để làm lồng đèn. Tất nhiên, với đôi tay trẻ con mềm yếu của tôi sẽ không hoàn thành tác phẩm ấy mà phải nhờ đến ba. Ba tỉ mẩn mài đầu lon bia trên tấm đá mài, nền gạch cho bung mặt nắp. Rồi ba cẩn thận dùng dao nhọn rọc sóng dọc qua thân lon bia thành những đường đều nhau. Sau đó thì ba đưa tay ấn nhẹ lon bia từ trên xuống. Dù đôi bàn tay ba thô kệch, nhưng lon bia lại biến thành chiếc lồng đèn hình ovan, quả cầu đẹp lạ thường.
Cầm những chiếc lồng đèn ưng ý trên tay, chúng tôi vui không thể tả. Đứa nào cũng nâng đèn lên rồi so sánh xem chiếc nào đẹp hơn. Chủ yếu là thói quen thôi chứ trong thâm đứa nào cũng cho rằng lồng đèn của ba mình làm (hoặc mua) đẹp hơn nhiều. Rồi chúng tôi kéo nhau đi dưới ánh trăng tròn, cùng hát vang những bài hát đồng dao trật nhịp. Có đứa còn nhắm mắt lại và ước sao chị Hằng, chú Cuội, ông trăng hiện ra trước mặt. Chúng tôi không háu ăn, đứa nào có kẹo ngọt, bánh dẻo là cùng chia cho nhau một ít. Dù một mẩu bé tí teo thôi cũng cảm thấy ấm lòng. Rước đèn, hò hát chán chê, cả lũ trẻ vắt lồng đèn lên cây và chơi trò ú tim quen thuộc. Phải chi ngày ấy có flycam, chụp ảnh từ trên cao xuống sẽ thấy không gian sân làng đẹp lung linh và huyền ảo đến dường nào. Bao nhiêu là chiếc lồng đèn sắp xếp vô trật tự nhưng lại tạo thành một bức tranh trừu tượng độc đáo.
Rồi những mùa trăng tuổi thơ lặng lẽ qua đi khi chúng tôi lớn dần, lớn dần... Lứa tôi ngây ngô, mộng mơ hão huyền chợt vụt bay mất như cái chớp mi. Chúng tôi ra thị trấn, thị xã, rồi thành phố lớn để học văn hóa nâng cao. Trăng quê chỉ còn là hoài niệm. Ở thị thành cũng có trăng. Nhưng ánh sáng tự nhiên yếu ớt ấy bị những tòa nhà và ngọn đèn cao áp kiêu sa che khuất mất. Nhiều đêm rằm, ngồi rúc mình trên căn gác trọ ọp ẹp, thò đầu ra cửa tìm hoài bóng dáng trăng mà sao khó quá. Chợt nhớ đến trăng quê, hình hài tuổi thơ mà cảm thấy chạnh lòng. Chao ôi, biết tìm đâu ánh trăng nhu mì của ngày hôm qua!