Khi còn là một chàng trai tuổi mới mười tám, đôi mươi, ông Hà Tăng đã dấn thân vào một cuộc chiến khác. Đó là cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, dưới ngọn cờ quân giải phóng. Năm 2010, nhân kỷ niệm 35 năm ngày thống nhất đất nước, Ban Hoa vận Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (nay là Ban Công tác người Hoa TPHCM) vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong niềm tự hào chung của cả một cộng đồng, có niềm vui, niềm tự hào riêng của ông Hà Tăng bởi những đóng góp xứng đáng của mình cho cuộc đấu tranh chung của dân tộc.
Ông còn là cán bộ Ban Cán sự công vận người Hoa khu Sài Gòn - Gia Định; Ủy viên Đảng ủy, Trưởng ban Công vận thuộc Ban Hoa vận T4. Thời điểm tháng 4-1975, ông phụ trách cánh Hoa vận quận 6, vận động các trưởng khóm đầu hàng, bàn giao vũ khí, hạn chế tối đa việc đổ máu khi ngày thống nhất đã cận kề. Sau này, ông luôn nhớ lại những năm tháng ấy bằng niềm trân trọng chiến công chung, khiêm tốn khi nhắc đến phần mình.
Sau năm 1975, ông Hà Tăng tiếp tục công tác ở quận 6, trải qua nhiều vị trí trong Đảng ủy phường, Quận ủy và MTTQ quận. Sau đó, ông được giao phụ trách các đơn vị kinh tế, như Công ty Cung ứng hàng xuất khẩu quận 6, Xí nghiệp chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, Liên doanh chè Nam Bắc. Từ năm 1996, ông là Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, Trưởng ban Công tác người Hoa. Ông cũng được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VIII (1987-1992).
Là người có uy tín lớn, có tiếng nói trong cộng đồng người Hoa, từ năm 2005 và suốt 10 năm sau đó, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối người Hoa TPHCM. Sinh thời, ông rất coi trọng việc dạy tiếng Hoa, phát triển văn hóa và đời sống của đồng bào người Hoa, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng người Hoa và người Việt. Ông và gia đình cũng âm thầm đóng góp ủng hộ cho những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.
“Như một người công nhân cần mẫn, ông Hà Tăng luôn được mọi người quý trọng bởi tính nói ít làm nhiều”, các anh chị em ở Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM nói vậy mỗi lúc nhắc về ông. Khi đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn tích cực tham gia biên tập, thẩm định nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử người Hoa. Trong đó có những cuốn tư liệu quý như “Quá trình hội nhập và phong trào đấu tranh cách mạng của người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh Nam bộ từ năm 1930 đến năm 1945”.
Phấn đấu bền bỉ suốt một đời, ông Hà Tăng đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, như Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.