Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1-3-1923 - 1-3-2023)

Nhớ mãi vị tướng huyền thoại

Khi nói về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, những người lính Trường Sơn năm xưa vẫn vẹn nguyên tình cảm với người thủ trưởng can trường trước lửa đạn, ân tình với cấp dưới. Nơi nào ông đặt căn cứ chỉ huy Đoàn 559 cũng nhận được sự tin yêu của nhân dân.

Chan hòa với cấp dưới

Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Võ Thế Chơn (ở xã Hải Phú, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) vẫn nhớ như in lần đưa đoàn của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên về tuyến sau khi vượt qua mưa bom, bão đạn của địch. Ông Chơn nguyên là chiến sĩ lái ca nô của Đại đội 16 (Binh trạm 14, Đoàn 559), chiến đấu ở bến phà Xuân Sơn (xã Sơn Trạch, nay là thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), một “tọa độ lửa” trong kháng chiến chống Mỹ. Ông Chơn nhớ lại, cấp trên yêu cầu ông tháp tùng một đoàn khách có mật mã Z vượt “tọa đổ lửa” về Bộ Tư lệnh 559 đóng tại xã Hương Đô (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Phương án tác chiến là phải đi đường thủy từ sông Son xuôi về sông Gianh, vượt lên miền núi Tuyên Hóa để không bị các “tọa độ lửa” Xuân Sơn, Đá Đẽo, Khe Ve đe dọa. Một đêm đầu năm 1967, ông Chơn nhận được mật điện, lần này không nói đoàn khách có mật mã Z mà nói rõ là đưa đoàn của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Với kinh nghiệm lái ca nô kích nổ bom từ trường, ông Chơn đã lập chiến công đưa đoàn đến đích an toàn. “Trên đường đi, thủ trưởng luôn hỏi han tình hình sức khỏe anh em bộ đội Trường Sơn để trấn an tinh thần và xóa nhòa khoảng cách giữa cấp trên với cấp dưới. Vừa nói chuyện, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vừa rút những phong lương khô tặng anh em làm nhiệm vụ. Ai nấy đều cảm động vì làm lính bao năm, nay đón Tư lệnh đường Trường Sơn mà như đón người nhà thân thiết”, ông Võ Thế Chơn tâm sự.

Bia di tích cách mạng của căn nhà gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình

Bia di tích cách mạng của căn nhà gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình

Cựu chiến binh Mai Văn Hà (thôn La Hà, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) nhớ về hai lần chở Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên giữa mưa bom bão đạn. “Năm 1969, đang làm nhiệm vụ cho Cục Công trình trên chiến trường Trường Sơn, tôi bất ngờ đón một người từ xã Tây Trạch (huyện Bố Trạch) đi vào “túi bom” Long Đại (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh). Cùng đi có một số cán bộ tháp tùng. Vị thủ trưởng thấy đạn nổ ngút trời, hỏi có đi được không. Tôi nói nếu đi là sống, dừng lại là chết. Thủ trưởng chỉ đạo đi tiếp. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi mới biết mình chở Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Cả chuyến đi, ông rất nhẹ nhàng, luôn động viên mọi người vượt từng loạt bom”, cựu chiến binh Mai Văn Hà kể.

Một lần khác, ông Hà nhận lệnh chở Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vượt các “tọa độ lửa” vào vùng Tây Lệ Thủy công tác. Lúc đó, ban ngày máy bay ném bom dày đặc, ban đêm xe mới chạy. “Tranh thủ chạy đêm, trên đường thủ trưởng chia khẩu phần ăn cùng lính. Nhìn vào khẩu phần ăn của Tư lệnh chỉ ít vừng lạc, tôi bật khóc. Thủ trưởng biết ý, nói rằng chỉ huy hay lính cùng làm một nhiệm vụ, ăn uống không thể khác để cùng làm việc, các cậu cứ dùng với mình. Sau này gặp lại, Tư lệnh vẫn bình dị, gần gũi, thương bộ đội như con em của mình”, ông Hà xúc động nhớ lại.

Một lòng vì nước vì dân

Ở xã Hương Đô (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) có địa điểm Đoàn 559 đặt sở chỉ huy đầu tiên, hiện được công nhận là di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia. Ông Đinh Văn Thiện, cán bộ văn hóa xã, cho biết: “Tướng Đồng Sỹ Nguyên chọn Hương Đô làm sở chỉ huy tiền phương, nhân dân nơi đây luôn ghi nhớ tình cảm của ông dành cho bà con. Nhiều khi bà con khó khăn, ông lấy lương thực ra giúp dân, nói bộ đội Trường Sơn được bà con Hương Đô che chở, tình cảm quý vô cùng. Thế nên hình ảnh vị tướng đường Trường Sơn với bà con Hương Đô luôn chan chứa nghĩa tình”.

Cụ Ngô Nghĩa (80 tuổi, xã Hương Đô) nhớ lại: “Bà con Hương Đô đón nhận Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên về thăm nhiều lần sau khi đất nước thống nhất. Từ đó mà tình cảm thêm thắm thiết. Trung tướng cũng giúp bà con, thông qua Binh đoàn 12, xây cầu, làm đường trong thời kỳ khó khăn nên bà con luôn trân trọng, mến mộ ông. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên về thăm Hương Đô 5 lần, lần nào bà con cũng đến dự buổi gặp mặt ở hội trường xã rất đông, tràn cả ra đường. Những lúc như vậy, Trung tướng đều nói: “Bà con về nhà ra đồng làm việc, đừng đến đông quá mà bỏ bê việc đồng áng”, dân Hương Đô ai cũng cười vui”.

Năm 1971-1973, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 về đóng tại xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Ninh, bày tỏ: “Người dân Hiền Ninh luôn tự hào về những năm tháng Bộ Tư lệnh 559 đóng quân ở đây. Dấu ấn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn in đậm không phai mờ. Quân với dân một lòng chia ngọt sẻ bùi. Đó là minh chứng mà người dân luôn nhớ đến vị Tư lệnh đường Trường Sơn gần quân, gần dân và sát dân”.

Người dân 10 xã vùng Nam thị xã Ba Đồn ngày nay vẫn tri ân Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên về cây cầu Quảng Hải vượt sông Gianh, xóa bỏ cảnh đò ngang cách trở. Ông Nguyễn Văn Long, nguyên Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, hồi tưởng: “Năm 2009, Thủ tướng Phan Văn Khải cùng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thị sát vùng Nam Ba Đồn, sau đó lên ý tưởng xây cầu Quảng Hải. Thủ tướng hỏi các chuyên gia, kỹ sư: Bên đó có gì để làm cầu? Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trả lời ngắn gọn: Bên đó có dân. Nếu có chiến tranh, cầu Gianh dưới kia sẽ bị phong tỏa, cầu Quảng Hải có thể chi viện cho các chiến khu. Có dân là có tất cả. Từ đó, Thủ tướng quyết định xây dựng cầu Quảng Hải, tạo động lực phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng”.

Những ngày này, chúng tôi về thôn Trung Thôn (xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn), dân làng hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thật ấm áp và giàu tình cảm. Mỗi người dân làng, không ai bảo ai đều đến kính hương linh vị tướng đường Trường Sơn huyền thoại. Về đây chúng tôi biết thêm, gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (tên thật là Nguyễn Hữu Vũ) xuất thân là một dòng họ lãnh binh Cần Vương. Bố Trung tướng là ông Nguyễn Hữu Khoán (mất lúc 47 tuổi), mẹ là cụ bà Đặng Thị Cấp (mất năm 1982, tròn 100 tuổi). Một tay cụ Cấp nuôi 7 người con bằng nghề dệt vải và vô số việc khác, cùng với đó là nuôi giấu cán bộ cách mạng trong gia đình. “Cuộc sống khó khăn vô cùng nhưng cụ Cấp vẫn một lòng đi theo cách mạng, nuôi con lớn khôn, động viên con theo Đảng, theo Bác Hồ, chiến đấu vì độc lập tự do của nhân dân”, ông Nguyễn Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Quảng Trung, nói.

Noi gương người phụ nữ một lòng theo cách mạng, các con, cháu chắt của cụ đều hết lòng vì dân, vì nước. Ngày nay, các con cháu của cụ Cấp có hơn 300 thành viên, trong đó có hơn 80 người là đảng viên, 50 người là lão thành cách mạng, 2 người hoạt động tiền khởi nghĩa, 50 quân nhân với 3 tướng lĩnh, 7 sĩ quan cấp cao. Truyền thống gia đình, đạo hiếu luôn được gìn giữ nên ai cũng đoàn kết. Dòng họ con cháu đông, từ đó đại gia đình đã lập ra quỹ học bổng mang tên cụ Đặng Thị Cấp. Ngoài giúp các chắt, chút chít học hành, quỹ học bổng còn giúp con em các gia đình khó khăn trong địa phương được tới trường hoặc cứu trợ bà con mỗi lần bão lũ ập đến.

Chính vì thế, cụ Đặng Thị Cấp vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, “Bảng vàng danh dự” và “Gia đình có công với nước”. Năm 2005, ngôi nhà của cụ Cấp đã được công nhận và dựng bia “Di tích cách mạng”.

Dâng hương tưởng nhớ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Ngày 27-2, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1-3-1923 - 1-3-2023), Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng dẫn đầu đoàn lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chỉ huy Sở tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 (thôn 7, xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng và các đại biểu thành kính dâng hoa, dâng hương, dành phút mặc niệm tưởng nhớ, tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã cùng ôn lại tiểu sử của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam. Trọn cả cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó nhiều cương vị quan trọng.

MINH PHONG - DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục