Nhớ mãi lời dặn thiêng liêng của Bác

Đã 40 năm trôi qua, nhưng đến nay tôi vẫn không thể nào quên cái ngày tang thương ấy, ngày mà hàng triệu trái tim người dân Việt Nam thổn thức, cả đất trời và hùng thiêng sông núi như chết lặng để chỉ còn nghe “người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…”.
Nhớ mãi lời dặn thiêng liêng của Bác

Đã 40 năm trôi qua, nhưng đến nay tôi vẫn không thể nào quên cái ngày tang thương ấy, ngày mà hàng triệu trái tim người dân Việt Nam thổn thức, cả đất trời và hùng thiêng sông núi như chết lặng để chỉ còn nghe “người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…”.

Lúc đó, tôi mới 9 tuổi, đang sơ tán trên vùng núi Ba Vì (Sơn Tây). Buổi sáng 3-9, chúng tôi nghe giọng phát thành viên trên đài phát thanh buồn bã báo tin: “Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời…”. Nghe “tin dữ” ập đến đột ngột, dường như tất cả đều chết lặng! Những ai đang đi trên đường đều tập trung quanh những gốc cây bàng, cây phượng có treo loa phát thanh để nghe cho rõ. Dù vậy, không ai tin điều “Bác mất” lại là sự thật - một sự thật quá phũ phàng, một mất mát quá lớn lao… 

Những “Cháu ngoan Bác Hồ” của quận Tân Bình. Ảnh: M.N

Những “Cháu ngoan Bác Hồ” của quận Tân Bình. Ảnh: M.N

Mặc cho trời mưa tầm tã, tôi chạy như bay về gọi ba tôi: “Ba ơi, Bác Hồ mất rồi…”. Ba tôi cũng đã biết “tin dữ” này qua đài phát thanh nên ông đang gục đầu nức nở… Từ bé đến lớn, tôi chưa bao giờ thấy ba khóc, kể cả lúc ba hay tin ông bà nội tôi trong Sài Gòn đã qua đời, lúc ấy ba chỉ lặng đi nuốt nước mắt vào trong.

Còn lần này, ông đã òa khóc dữ dội khiến tâm hồn trẻ thơ của tôi gần như hoảng loạn. Chính những giọt nước mắt của người cha đầy bản lĩnh càng khiến tôi hiểu việc “vị cha già dân tộc mất đi” là một nỗi đau và sự mất mát quá lớn đối với từng con người và cả một dân tộc.

Hơn ai hết, tôi hiểu rõ vì sao ba tôi lại đau đớn đến vậy, nỗi đau đã truyền sang tôi đến không thể nào quên. Bởi lẽ, ba tôi là người miền Nam tập kết ra Bắc, ông cũng như bao con em miền Nam tập kết khác luôn chờ mong từng ngày, từng giờ giải phóng miền Nam để trở về quê hương. Có lẽ do hiểu sự thiệt thòi chiến tranh của người miền Nam nên lúc nào những người con miền Nam tập kết ra Bắc cũng được Bác “cưng nhất” và người dân miền Bắc quý nhất.

Chính vì thế, khi nghe lời di chúc của Bác rằng: “Tôi định ngày thống nhất, tôi sẽ vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt…” ba tôi càng không thể cầm lòng…

Tôi còn nhớ, thời điểm Bác mất, tình hình chiến tranh còn diễn biến khá phức tạp, dường như mọi người đều trông cậy vào Bác, tin tưởng ở Bác. Bác chính là linh hồn của cuộc cách mạng Việt Nam. Vì vậy, khi Bác mất, cả dân tộc nghẹn ngào đau thương và không khỏi lo lắng…

Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn không quên lời cuối cùng của Bác được viết trong Di chúc: “Tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng…”. Sau này lớn lên, thế hệ chúng tôi gần như thuộc lòng Di chúc của Bác. Rồi chúng tôi được kết nạp vào Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh… chúng tôi thấy như lúc nào cũng có Bác bên cạnh.

Ngay cả khi Bác mất, chính Bác vẫn động viên những người ở lại rằng đừng quá đau buồn vì đó là quy luật của “Nhân sinh thất thập cổ lai hy…”, hãy biết chấp nhận và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Càng trưởng thành và trở thành đảng viên, tôi càng thấm thía lời Bác dặn về công tác xây dựng Đảng: “Phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình… Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư…”. Về công tác đoàn viên thanh niên, Bác dặn phải đào tạo họ thành những người “vừa hồng, vừa chuyên…”. 

Sau 40 năm kể từ ngày Bác ra đi và để lại Di chúc cho toàn Đảng, toàn dân, hôm nay chúng ta thử tự hỏi xem đã làm được những gì và làm đúng những gì, còn gì chưa làm được hoặc làm sai thì phải sửa chữa ngay.

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục