Bằng nhiều hoạt động khác nhau, tinh thần chiến đấu của chiến sĩ cách mạng đã phần nào áp đảo được kẻ thù và mang lại niềm tin cho mọi người về một ngày mai đất nước thống nhất.
“Không phải tiếng tùng, tùng, tùng của dùi nện vào trống da mà là những tiếng keng keng, xèng xèng của dùi cây đập vào các thau, chậu, nhưng vần, điệu thì không sai đâu được”… Hình ảnh các dì, các chị múa con “lân già” với tiếng trống lân mừng kỷ niệm ngày Quốc khánh tại nhà lao Tân Hiệp như hiện lên trong mắt bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng ban liên lạc Cựu tù chính trị TPHCM. Đó là Quốc khánh đầu tiên bà bị giam cầm trong lao tù của địch - năm 1969, khi ấy bà 16 tuổi.
Bà Khánh kể, trước đó mấy hôm, các dì, các chị đã tập đi tập lại các bài hát, múa. Sáng sớm ngày 3-9, những chiếc ba lô được chất lên nhau rồi phủ tấm vải đẹp nhất để lập thành bàn thờ. Trên bàn thờ có ảnh Bác Hồ được họa bằng thuốc than đen, cờ Tổ quốc vẽ trên giấy, khẩu hiệu hành động và lọ hoa các chị hái được lúc ra tắm nắng. Mọi người dành một phút mặc niệm và hát vang bài Tiến quân ca. “Ngoài sân nhà lao, các dì, các chị ở phòng khác được ra tắm nắng liền tận dụng cơ hội biểu diễn múa lân. Tiếng trống lân vang đến các phòng. Hình ảnh con “lân già” các dì làm từ thau, vải, quần áo cũ lướt đi thật đẹp mắt, bà Khánh hồi tưởng.
Nhà tù Côn Đảo, nơi được gọi là “địa ngục trần gian”, với những chuồng cọp, khu biệt giam từng giam cầm những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Trong trí nhớ của bà Khánh, hầu như ngày nào nơi đây cũng diễn ra các cuộc tra tấn dã man. Tới ngày Quốc khánh, các phòng đều tổ chức lễ kỷ niệm. Sự động viên, khích lệ dâng cao khi các dì tổ chức biểu diễn múa lân ngay trong phòng giam. Tiếng trống lân lại tiếp tục thúc giục lòng người kiên định ý chí đấu tranh. Nghe tiếng trống rộn ràng ấy, các đồng chí ở phòng khác lại hào hứng lôi thau, xô ra gõ. Khi ấy tiếng trống vang xa đến cả các chuồng cọp nơi các đồng chí bị biệt giam. Khí thế lại sục sôi trong lòng mỗi người”, bà Khánh nhớ lại.
Bà Khánh cho biết, dịp Quốc khánh năm 1973, khi lòng nhiều chiến sĩ đang rối bời vì mình không nằm trong danh sách được trao trả, qua tiếng trống lân và các bài nói chuyện về Bác Hồ, về thời sự đất nước, mọi người đã củng cố niềm tin cho nhau về ngày đất nước thống nhất, mọi người sẽ về lại đất liền một cách vinh quang.
Động viên nhau qua đường ống nước
Với bà Đoàn Lê Phong, Phó Thường trực Ban Liên lạc cựu tù chính trị TPHCM, những ngày trong lao tù, bị giặc tra tấn dã man càng giúp ý chí bà thêm mạnh mẽ. Năm 1974, chỉ sau 10 ngày bà bị bắt vào nhà lao thì đến ngày Quốc khánh. Cơ thể tả tơi, bê bết máu vì bị đánh đập và giam cầm trong phòng biệt giam, có lúc bà nghĩ mình sắp chết.
“Sáng đó, tôi khát quá nên lết đến chỗ vòi để uống. Khi ấy không phải giờ được mở nước nên tôi chẳng hứng được giọt nào. Định lết về chỗ nằm thì nghe văng vẳng có tiếng nói từ đường ống nước phát ra. Kề sát tai vào, tôi nghe tiếng nói: Hôm nay ngày Quốc khánh, ngày vui của cả nước. Biết đồng chí mới bị bắt vào, có lẽ giờ thân thể rất đau đớn vì đòn roi tra tấn. Nhưng nỗi đau ấy không lớn bằng nỗi đau mất nước, dân tộc bị rẽ chia. Hơn lúc nào hết, đồng chí cần mạnh mẽ, kiên cường. Ngày độc lập rồi sẽ đến… Khi nói xong những lời động viên, đồng chí ấy lại hát cho tôi nghe”, bà Phong kể.
Chính những lời khích lệ qua đường ống nước hôm ấy đã giúp bà Phong thấy nỗi đau trên cơ thể như được xoa dịu. Cứ thế, thông qua đường ống nước nối các phòng giam, các đồng chí cách mạng đã giúp nhau thêm ý chí, sức mạnh để tiếp tục đấu tranh trong tình thế bị giam cầm.
Năm 11 tuổi, ông Lê Hồng Tư (84 tuổi, cựu tù chính trị) được chứng kiến niềm vui của cả dân tộc trong ngày Quốc khánh đầu tiên. “Khi ấy con nít làng tôi (quận Bình Tân ngày nay) đổ ra các ngã đường để cùng hò reo. Cờ vàng sao đỏ của Thanh niên Tiền phong bay phấp phới. Tôi còn hát theo các anh bài Lên đàng. Rồi nghe các anh nói Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn độc lập. Không khí lúc ấy vô cùng sôi nổi”, ông Tư hào hứng nhớ lại.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Tư có hơn 13 năm bị đày ra Côn Đảo. “Tôi bị tuyên án tử. Quốc khánh đầu tiên trong nhà lao, dù tay chân bị còng, anh em vẫn nhắc nhớ nhau ngày vui của đất nước, cùng kể những câu chuyện về vị Cha già của dân tộc để động viên tinh thần chiến đấu của nhau”, ông Hồng Tư hoài niệm. Những năm sau đó, cứ đến ngày Quốc khánh, ông Tư và đồng đội lại chọn bộ quần áo tươm tất nhất, rồi cùng mặc niệm, chào cờ, hát Quốc ca. Dù khi ấy trong tù không có cờ hoa, nhưng trong mắt những người chiến sĩ kiên trung ấy vẫn thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới.