Tác giả Trần Văn Lan gọi đó là “tuổi rằm” sáng như ánh trăng quê có cô thôn nữ nhà bên thường sang “xách nước”, “xin lửa” để rồi biền biệt cách xa. Tác giả Tiểu Thư gọi thẳng đó là tuổi “mười lăm” còn đi học chưa vội đọc thơ của thi sĩ chân quê Nguyễn Bính cho lòng thêm xao động. SGGP xin giới thiệu hai bài thơ viết về lứa tuổi đẹp ngẩn ngơ, đầy mơ mộng của Trần Văn Lan và Tiểu Thư.
T.H.N
Tuổi rằm
Giếng nhà nội, láng giềng qua xách nước
Bếp mẹ nghèo vẫn giữ lửa cời tro
Bao nhiêu năm đất trời vạn dặm
Nhỏ! không về xin lửa nhà ta.
Tháng ngày cũ, tuổi Rằm xưa chưa cũ
Dắt trăng về, ta nối lại đồng dao
Tháng ngày cũ, chắc người đi cũng cũ
Gió bạt ngàn mấy hướng, Nhỏ ơi!
Mái đình cổ, rêu tàn, rêu mọc
Tiếng trống làng giục tới trời Âu
Vấp bóng em giăng ngang ngày hội
Em xa làng, ngõ đom đóm từ lâu.
Mãn tuồng hát, vai kép đào giũ bỏ
Một tỷ người, ta vẫn lẻ loi ta
Mãn tuồng hát, kép đào bôi xóa mặt
Một tỷ người, sao ta vẫn trống huơ!
TRẦN VĂN LAN
Tháng Ba
Đon đót ngày lên sông xanh lắm
Mùa xa non nõn loáng hương đồng
Chợt nhớ tuổi em là tuổi lúa
Tháng ba này lúa mới mười lăm
Ừ nhỉ! Mùa em mùa đi học
Chiều qua bến nhặt cánh vông đồng
Câu thơ Nguyễn Bính đừng ai đọc
Học trò trường này mới mười lăm
Một sớm, em xếp hàng vào lớp
Phù sa vàng mật ước mơ em
Mườn mượt vườn xuân mùa trái rộ
Tháng ba qua ngõ học trò thèm
Một lá sen hai đứa che sao đủ
Phương Nam mưa nắng đổ nao lòng
Tan trường áo trắng về qua bến
Bằng lòng sách vở quá giang không…?
TIỂU THƯ