Con thuyền du lịch đang ngược dòng sông Hậu từ từ quay mũi vào vàm rạch Ô Môn, phường Thới An của TP Cần Thơ. Lòng tôi nôn nao khó tả bởi xúc động dạt dào tràn lên khóe mắt: hơn 60 năm trước, nhà cha mẹ tôi ở đây, tôi đã trải qua mấy năm tuổi thơ đầy kỷ niệm. Sông Hậu mênh mông, biết bao là nước đã chảy qua vàm mà giờ tôi mới trở lại “nhà” xưa…
Vào khoảng đầu năm 1946, anh Trần Bửu Kiếm đưa báo Kèn gọi lính của Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ về nhà tôi ở tại đây, lúc đó là vùng đã bị Pháp tạm chiếm trở lại. Tôi nhớ hôm đó trời chạng vạng tối, tôi đang ngồi chơi trên bờ rạch trước cổng nhà thì thấy một chiếc ghe nhỏ mui tùm hum đang xuôi dòng nước ra vàm bỗng quay mũi vào bến. Ghe vừa cập cầu, có người mặc áo cài cúc vải kiểu người Hoa nhảy lên nhanh nhẹn đi vào nhà. Tôi nhìn kỹ rồi la lên: “Anh Ba!” Anh đưa một ngón tay lên môi lắc qua lắc lại.
Sau đó, theo lời anh dặn, má tôi ra bờ sông đứng đón mấy chiếc ghe tam bản chở nặng, rao bán dừa khô. Sau khi lên hết một ít dừa thì “người bán” bê lên những chiếc hộp gỗ rất nặng, đó là những hộp chữ chì để in báo theo kỹ thuật thời ấy. Về sau, tôi mới biết ba tôi và anh Kiếm đã tổ chức một xưởng in đâu đó trong vùng.
Hàng ngày ngoài công việc, anh Kiếm thường dạy tôi học. Lúc rảnh rỗi, anh đứng trên lầu, nhìn xuống dòng sông và hay ngâm thơ: …Thời lai đồ điếu thành công dị / Sự khứ anh hùng ẩm hận đa… Tôi thuộc bài thơ này từ đó (và sau mới biết là thơ của Đặng Dung). Thỉnh thoảng, anh cũng giao “công tác” cho tôi đi liên lạc với các cơ sở, chủ yếu là đi thị xã để lấy tiền dùng in báo.
Nhà tôi ở giữa làng quê nhưng có lầu, trong một khu vườn cây ăn trái khoảng 3ha. Nhà rộng, lầu trên chừa hàng hiên xung quanh, anh Kiếm lấy một chiếc chiếu, cái mùng, ở ngoài hiên đó. Anh lại lấy một cái thang tre dựng bên hông lầu, chắc là để tiện thoát hiểm khi có biến. Thỉnh thoảng, anh lại chọc tức tôi rồi bỏ chạy. Tôi đuổi theo, quanh quất trong khu vườn nhà, có khi anh chạy mất hút, tôi không cách nào tìm ra. Sau nhớ lại, tôi độ chừng là anh dùng tôi để “thực tập” chạy Tây, vì tôi thuộc vườn mình mà không tìm ra anh thì “bố Tây” cũng không tìm anh được.
Báo hoạt động được một thời gian, in, phát hành… nhưng trong nhà tôi, tuyệt nhiên không có tờ nào. Một buổi sáng, tôi đang phụ má tôi sấy chuối phía nhà sau thì anh Kiếm từ nhà trước đi nhanh vào nói: “Thím Sáu, trước nhà có chuyện”. Má tôi vội tốc ra. Một thằng Tây và mấy tên lính kín người Việt ập vào, có một anh “cán bộ” vẫn lui tới nhà tôi tay bị còng, chắc anh bị bắt chịu đòn không thấu nên khai ra, dẫn Tây đến bắt anh Kiếm… Thằng Tây túm chặt má tôi đánh liền mấy bạt tai nảy lửa: “Thằng Kiếm đâu?”. Má tôi trước sau chỉ nói “không biết nó ở đâu”. Thằng Tây quay sang chụp lấy tôi, hai tay nó tạt ập vào hai tai tôi tưởng muốn thủng màng nhĩ. Vẫn một câu hỏi. Tôi khóc ré lên.
Trong nhà, bọn lính kín đã bắt được anh Ấu, anh người miền Bắc làm giao liên. Chúng treo anh lên xà nhà, đánh hộc máu miệng nhưng anh nói “tôi chả biết gì…”. Ba tôi lúc đó đang ở chợ, nghe tin vội bươn về, nhưng bà con kịp ngăn lại, rồi ông cũng đi luôn vào chiến khu. Sau đó, chúng bắt má tôi và chị tôi về nhốt ở khám Cần Thơ. Chúng chỉ cậy thế bắt người chứ tang vật thì không hề có thứ gì… Còn anh Ấu, nghe nói chúng đã đánh chết anh trong khám… Gia đình tôi bỏ nhà cửa ruộng vườn ở quê kể từ đó. Tôi và em gái được bà ngoại đón về Gò Công nuôi ăn học. Mãi nhiều tháng sau khi có Hiệp ước 6-3, má và chị tôi mới được thả ra, đón anh em tôi về sống tại thị xã Cần Thơ. Tôi hoạt động nội thành cho đến sau phong trào Trần Văn Ơn thì thoát ly vào vùng giải phóng…
Trần Thanh Giao