Đã 2 cái tết rồi tôi không được về quê cha đất tổ, không được cúi người lạy tạ công ơn cha mẹ hay thắp nén hương cho tổ tiên vào ngày đầu năm mới. Se sắt và tội nghiệp thay những người con gái lấy chồng xa xứ để rồi đến ngày tết chỉ biết ngoái trông về quê hương qua màn ảnh nhỏ của chiếc điện thoại.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền Trung, nơi đầy gió và nắng. Bố mẹ tôi thuần nông, hiền hậu, chất phác. Từ bé, chị em tôi đã làm quen với cuộc sống khổ sở, túng thiếu đến nỗi bữa cơm có cá cũng khiến chúng tôi hạnh phúc suốt mấy ngày sau. Tuy nghèo khổ nhưng mỗi dịp Xuân về, bố mẹ luôn mua cho chị em tôi mỗi đứa một bộ quần áo mới. Chúng tôi mừng reo, cầm bộ quần áo khoe khắp nơi nhưng lại không dám mặc vì sợ bẩn – niềm vui con trẻ đôi khi thật giản đơn.
Cho đến năm tôi học lớp 4, vào ngày Mùng Một Tết, tôi thấy mẹ mang đôi dép đã đứt một bên quai, phải dùng dây thép nối lại. Tôi thấy bố mặc cái quần đã cũ đến sờn màu và cái áo ông vẫn cẩn thận cất giữ suốt mấy năm qua. Đó là lần đầu tiên, tôi biết thế nào là buồn, là xót xa và không còn muốn mặc bộ quần áo mới mà bố mẹ chắt chiu mua nữa.
Nói về tết, tôi lại càng nhớ da diết hương bánh thuẫn của mẹ. Ở quê tôi có phong tục rất hay và ý nghĩa: đổ bánh thuẫn để cúng ông bà tổ tiên và mời khách khứa đến chúc tết đầu năm. Bánh thuẫn tượng trưng cho sự sum vầy, vui vẻ ngày tết. Mẹ tôi nói, trong mỗi chiếc bánh nở bung xòe như hoa mai vàng rộm ấy còn gói ghém cả những ước mơ của người làm bánh. Đó là mơ ước năm mới được sung túc, đầy đủ, hanh thông hơn năm cũ. Trưởng thành, tôi lại thấy bánh thuẫn còn là sự chắt chiu khó cực của bố mẹ và khao khát đổi đời cho bớt khổ, bớt cực hơn. Tôi càng thêm thương và yêu hương vị bánh thuẫn, hương vị tuổi thơ của tôi và của biết bao đứa trẻ đất Khánh Hòa này.
Hồi đó, cứ vào ngày 28 tháng Chạp âm lịch, mẹ lại bảo tôi đi mua 2 nghìn bột bánh và 500 đồng men nở. Với từng ấy tiền, chúng tôi sẽ có tầm 5 khuôn bánh thuẫn, đủ để mời khách và cúng ông bà trong mấy ngày tết. Từ sáng tinh mơ, cả gia đình tôi đã rộn rã tiếng cười. Chị em tôi nhóm bếp than. Bố lo đánh bột. Mẹ thì chăm bầy lợn rồi vào đổ bánh. Niềm vui ngày giáp tết gói gọn quanh chiếc bếp than ấm nóng vàng rực. Rồi tiếng hò reo mừng vui lẫn háo hức khi thấy những chiếc bánh nở bung, vàng rộm đầy ngon lành.
LÊ THỊ NHUNG
nhunglt1985@gmail.com