Những ngày cuối năm người xe đông đúc, chật kín cả một góc ngã tư, nhìn ai cũng đầy vẻ hối hả, tất bật của không khí tết cận kề. Bên góc đường, người ta đã dựng vài cái chòi dã chiến bằng tấm bạt nhựa chất đầy những quả dưa hấu tròn trịa, suông dài nằm ngay ngắn trên một lớp rơm vàng êm ả. Người bán còn tinh ý cắt một lát ở đầu những trái dưa mẫu để lộ phần ruột đỏ, ruột vàng trông thật bắt mắt.
Nhớ tết xưa, nhà ai cũng đặt chưng một cặp dưa hấu trên bàn thờ để tượng trưng cho may mắn và tài lộc cho gia đình. Mỗi trái dưa còn được dán thêm tờ giấy màu đỏ tươi mang đến một không khí tết rộn ràng, đầm ấm. Quà biếu tết gửi đến nhau cũng là cặp dưa hấu đơn sơ nhưng hàm chứa một mối thân tình còn mãi.
Nhìn cái chòi dã chiến và những quả dưa to, mọng nước lòng tôi cứ chùng chình nhớ về buổi chợ trưa ngày 30 tết cùng em gái đi mua dưa hấu.
Thời ấy không có dưa hấu bày bán quanh năm như bây giờ, muốn chưng hay ăn dưa phải đợi đến tết và chỉ có một giống duy nhất là dưa trái tròn, ruột đỏ và nhiều hạt. Theo lời ba má tôi, quả dưa tròn vỏ xanh, ruột đỏ vị ngọt còn tượng trưng cho sự hòa thuận, niềm vui và những điều tốt lành cho mỗi gia đình trong năm mới. Dân gian còn tin rằng, khi bổ trái dưa dâng cúng ông bà tổ tiên vào ngày tết mà bên trong ruột dưa đỏ au thì năm đó gia chủ sẽ gặp nhiều may mắn.
Trong cái nắng già cuối tháng Chạp, chợ trưa 30 Tết năm ấy đã vắng người, không còn cảnh nhộn nhịp người mua kẻ bán như buổi sáng và những ngày trước đó. Một số quầy hàng đã thu dọn sớm để về nhà chuẩn bị cúng tất niên. Vài xe vệ sinh bắt đầu dọn dẹp, gom rác, làm sạch sẽ đường phố. Chỉ còn các chòi dưa hấu gần cạnh hàng bông chưng tết nán lại chờ bán hết những trái dưa cuối cùng mà sau này tôi mới biết là cho đỡ tiền xe vận chuyển ngược về quê.
Chiếc xe đạp cà tàng là phương tiện đưa hai chị em tôi đi chợ. Em gái tôi còn nhỏ nên có nhiệm vụ giữ xe, tôi thì vào bên trong chòi lựa dưa. Cầm lên rồi đặt xuống vài bận cũng không biết lấy quả nào dù ở nhà má có dặn chọn trái dưa còn cuống và có đốm rám vàng bên dưới là được. Thấy cô chú kế bên dùng tay vỗ vào quả dưa nghe tiếng kêu lạch bạch, tôi bắt chước làm theo rồi còn trả giá như người lớn.
Cuối cùng tôi cũng chọn được hai quả dưa mà mình cảm thấy ưng bụng nhất rồi khệ nệ đem ra xe. Thấy hai chị em loay hoay không biết để đâu chú bán dưa chạy ra cột lại dùm, một quả treo ở ghi-đông xe, một quả thì em gái tôi ngồi ôm ở phía sau. Giờ nghĩ lại chú ấy thật tốt bụng, đã bớt tiền mà còn tận tình giúp đỡ “khách hàng”. Chú còn hỏi thăm người lớn đâu không đi mua, rồi chú xoa đầu hai chị em khi biết má tôi còn bận rộn với cái quán nước bên đường, cũng như chú, chờ những người khách cuối năm về muộn ghé qua uống vài ly trà đá, nước chanh để kiếm thêm tiền lo tết.
Hai chị em tôi dẫn bộ qua đoạn dốc cạnh nhà thờ Thủ Đức rồi lên xe đạp một mạch về nhà.Thi thoảng tôi quay ra sau nhắc chừng đứa em: “ôm dưa cho chặt nha “. Bóng nắng chiều cuối năm đổ từng vệt dài lên đoạn dốc cao cao, hắt lên những hàng cây hai bên đường đã xanh thẫm những chồi non, nụ biếc đón đợi mùa xuân.
Hai quả dưa hấu “ đầu đời” được chị em tôi nâng niu “trên từng cây số” và đem về nhà an toàn. Với tôi, đó là hai trái dưa mang sứ mệnh mùa xuân đẹp nhất được ba trang trí giấy đỏ và chưng lên bàn thờ chiều 30 Tết và níu giữ hoài trong tôi những ký ức ngày tết tuổi thơ dẫu thiếu thốn mà thật bình yên bên mái nhà vùng ngoại thành TPHCM năm ấy.
Mỗi khi tháng Chạp về, hai chị em tôi có dịp đi chợ cùng nhau đều nhắc lại buổi chợ năm xưa. Dưa hấu bây giờ có quanh năm, lại đa dạng chủng loại, có loại khắc sẵn chữ phúc, lộc, thọ, trái thì vỏ vàng, vỏ xanh, không hạt… người bán còn chất lên xe ba bánh đi khắp các con hẻm, góc phố. Nhưng lòng tôi vẫn nhớ hoài những trái dưa tết tròn tròn ngọt lịm còn vương mùi đất, mùi bùn và những cọng rơm chân chất của buổi chợ thời niên thiếu.
Mùa xuân luôn khơi gợi cho nhân gian những cảm xúc thật ngọt lành, tha thiết, đôi khi chỉ bằng một khoảnh khắc bình dị như cái chòi dưa dã chiến bên góc ngã tư những ngày giáp tết năm nay.
LƯƠNG BÍCH THỦY
Phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TPHCM