Nhớ… đường phố muôn màu

Trong những ngày giãn cách, nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh đường phố vắng lặng. Và đâu đó, ắt hẳn có nỗi nhớ không khí náo nhiệt, nhớ một đường phố nhiều màu sắc vui tươi lại hiển hiện. 
Biểu diễn rối dây phía trước Bưu điện TPHCM (Ảnh chụp ở thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát). Ảnh: TRƯƠNG MINH
Biểu diễn rối dây phía trước Bưu điện TPHCM (Ảnh chụp ở thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát). Ảnh: TRƯƠNG MINH

Những miền quê thanh bình, sông nước miệt vườn hay núi non trùng điệp khiến người ta trầm trồ trước sự đẹp đẽ của thiên nhiên. Đô thị lớn như TPHCM có chăng chỉ là sự hiện đại của những tòa cao ốc, con đường nhộn nhịp xe cộ hay khu phố mua sắm có tiếng… Không chỉ thế, sức hấp dẫn và quyến rũ của đô thị lớn nhất nhì cả nước còn đến từ những màu sắc đường phố thân thiện.

Trong những ngày giãn cách, nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh đường phố vắng lặng. Và đâu đó, ắt hẳn có nỗi nhớ không khí náo nhiệt, nhớ một đường phố nhiều màu sắc vui tươi lại hiển hiện. 

Hè phố từng là câu chuyện mưu sinh của rất nhiều người lao động tần tảo, buôn gánh bán bưng. Nhưng có lẽ không nơi nào dễ dàng tìm một công việc như nơi này, một gánh khoai luộc, một xe chuối chiên,… cũng đủ đắp đổi qua ngày. Đường phố ở đây không hề kén chọn, hay từ chối bất kỳ ai, chỉ cần một công việc lương thiện là đủ sống, thậm chí có ngày trúng mánh vì gặp khách sộp, đưa tiền chẵn rồi cười cười hào sảng: “Khỏi thối, chị ơi”.

Và đường phố cũng là nơi vui chơi, giải trí mà bất kỳ ai cũng có thể ghé lại, hòa nhịp mà chẳng chút e ngại hay ngượng ngùng bởi bầu không khí thân thiện, vui tươi luôn có sẵn. Một đường sách (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) bất kỳ ai cũng có thể ghé lại và tìm cho mình một góc; thậm chí không cần phải mua sách bạn vẫn có thể chụp hình thoải mái với quầy sách, miễn sao mọi thứ vừa phải và không gây xáo trộn các kệ sách đang trưng bày. Những không gian xung quanh Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố… từng không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp kiến trúc mà còn bởi bầu không khí vui tươi với nhiều hoạt động. Giữa những tiếng cười nói của du khách, một góc phía trước Bưu điện Thành phố có nhóm người ôm guitar đàn hát. Những tay văn nghệ nghiệp dư chốc lát lại chỉnh đàn, chỉnh giọng hát cho nhau, nếu ai đó thích văn nghệ cứ thoải mái ngồi lại hát cùng đến trưa nắng quá thì về. Một vòng khu vực này, thể nào cũng sẽ có thêm vài người bạn mới nếu bạn thích.

Nếu không thích hát hò, bạn cũng có thể làm khán giả, một người ngoại quốc với 2 con rối dây, biểu diễn liên tục mỗi cuối tuần. Khách dừng lại xem rồi đi cũng được, hoặc để lại một chút tiền ủng hộ thì nghe giọng tiếng Việt lơ lớ của ông: “Cảm ơn!”.

Mỗi cuối tuần, nhiều bạn trẻ đến phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) để tham gia các nhóm trượt patin; những ai thích cosplay (hóa thân) thành các nhân vật nổi tiếng trong các bộ phim điện ảnh hay hoạt hình có thể ghé lại Công viên Tao Đàn (quận 1), không phân biệt quen thân hay xa lạ chỉ cần chung sở thích thì dễ dàng bắt chuyện và kết nối mạng xã hội để giữ liên lạc cùng nhau. 

Thỉnh thoảng trên đường phố nhộn nhịp, đâu đó bên đường lại có ông họa sĩ đang ký họa chân dung cho khách, có nhóm bạn trẻ lấm lem màu sơn trên các bức tường graffiti, một góc công viên có vài người đang kéo violin hoặc có nhóm ngồi vòng tròn chơi đờn ca tài tử với nhau…

Khi nhịp sống bình thường trở lại, những khó khăn sau dịch chắc sẽ còn, nhưng người ta vẫn tin những màu sắc tươi vui đó cũng sẽ trở lại, bởi đường phố này luôn dành cho bất cứ ai.

Tin cùng chuyên mục