Sáng chủ nhật nào cũng thế, cô bạn ở California gọi điện thoại hỏi thăm chúng tôi, thường là kể chuyện gia đình, kèm theo một đoạn than thở nhẹ chuyện xã hội, những khúc mắc khác biệt giữa các thế hệ. Rồi bạn bè an ủi nhau biết chấp nhận để vui sống. Nhưng gần một năm trở lại đây, lúc nào câu chuyện thăm hỏi cũng bắt đầu từ... Covid-19, và tạm dừng ở bầu cử Mỹ, rồi thở dài. Cái năm gì mà lạ lùng như vậy chứ. Hôm kia là ngày chủ nhật cuối cùng trước ngày bầu cử, hỏi nhau đã đi bầu chưa, nôn nao, lo lắng, lòng cảm giác bất an.
Chưa bao giờ tình hình chính trị - xã hội ở Mỹ lại mất ổn định đến thế. Từ phong trào Me Too đến phong trào Black Lives Matter, rồi Covid-19 xảy ra. Mỹ là quốc gia có số người nhiễm bệnh và số ca tử vong do Covid-19 nhiều nhất thế giới. Không ai có thể ngờ được một đất nước luôn tự hào về sức mạnh mọi mặt, lại có thể lâm vào hoàn cảnh mất cảnh giác như thế. Người dân mất đi niềm tin rằng chính phủ có thể bảo vệ họ. Và, khi không còn niềm tin, người dân muốn có một sự thay đổi lớn.
Virginia, nơi tôi sống, là một “Blue State”, Thống đốc tiểu bang thuộc đảng Dân chủ, đa số dân nghiêng về ứng cử viên đảng Dân chủ. Nhưng riêng về cộng đồng người Việt tại đây, đa số lại theo “Red”, nghiêng về đảng Cộng hòa, như một sự “thực hành chính trị” truyền từ đời cha đến đời con. Bạn của mẹ tôi, lớp người cao tuổi, đã gần 80 rồi, hàng ngày vẫn gọi điện thoại cho nhau, bảo nhau đừng đi chợ, đừng ra khu Eden nữa nhé. Tuần nào cũng có tụ tập kêu gọi đi bầu cho người này, đừng bầu cho người kia, rồi chửi nhau, xô xát, không an ninh tí nào.
Đấy chỉ mới là cộng đồng người Việt thôi. Mỹ được gọi là “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”, vô số dân tứ xứ, ngôn ngữ, tôn giáo khác biệt, suy nghĩ về chính trị và xã hội thật sự phức tạp và phong phú. Khi quốc gia ổn định, sự khác biệt này đóng góp vào việc phát triển xã hội, kinh tế dẫn đến thành công rất lớn, nhưng khi quốc gia có mầm mống mất niềm tin, sự khác biệt này lại trở thành vấn đề. Ngay cả việc có nên mang khẩu trang hay không trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành cũng trở thành một biểu hiện của thái độ chính trị, chứ không phải là một hành động bảo vệ sức khỏe cho mình và người xung quanh. Cũng chính vì sự khác biệt này, người dân lũ lượt đi bầu sớm để nắm chắc rằng họ đã thực hiện quyền lợi và tiếng nói của mình. Số phiếu bầu sớm năm nay đã vượt quá 2/3 tổng số phiếu bầu vào năm 2016. Điều này cho thấy sự quan trọng của kết quả bầu cử năm nay, và cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cực kỳ sát sao.
Chỉ còn 48 tiếng đồng hồ nữa là cả thế giới sẽ biết ai đắc cử Tổng thống Mỹ. Ở trung tâm đô thị các tiểu bang, chủ các quán xá, cửa hàng ngày hôm nay đã lo tự bảo vệ bằng cách dùng gỗ, ván, đóng kín mặt tiền cửa tiệm, che chắn kiên cố, những việc mà thông thường họ chỉ làm trước những cơn bão tuyết hay mưa lũ định kỳ. Siêu thị cuối tuần này đông nghẹt người, họ bảo nhau mua sắm dự trữ thức ăn, cũng là việc người ta thường chỉ làm trước cơn thiên tai. Lần này, không phải là mưa lũ bão tố do thiên tai, mà sẽ là những trận cuồng phong bạo động của những người dân không đạt được sự thay đổi theo ý muốn.
Ông già hàng xóm, cũng đã hơn 80 tuổi rồi, sinh ra ở Virginia và sống cả đời ở đây. Ông nói: “Tôi chưa bao giờ cảm giác sự mất an ninh trong kỳ bầu cử nào như kỳ này. Tổng thống đảng nào cũng thế thôi, họ giữ chức 4 năm hoặc 8 năm, rồi họ đi. Chỉ có dân là tiếp tục công việc của mình mãi mãi. Quyền hạn nằm trong tay người dân. Cô nhớ đi bầu nhé!”.