Theo đó, phương án 1 sửa chữa tổng thể cả bản thép mặt cầu, nhằm tăng độ cứng, tăng khả năng chịu lực cho lớp bản thép, đồng thời khắc phục, tăng cường dính bám, chống trượt lớp bê tông nhựa trên mặt thép theo hướng khôi phục lại nguyên lý thiết kế của Liên Xô trước đây. Theo Tổng cục ĐBVN, giải pháp này khắc phục được hầu hết các hư hỏng nhưng có nhược điểm là tốn kém kinh phí, kéo dài thời gian, ảnh hưởng giao thông, thi công khó khăn do kết cấu dàn thép đã cũ và đường sắt không thể dừng khai thác...
Phương án 2 chỉ thí điểm sửa chữa lớp bê tông nhựa mặt cầu, không sửa chữa phần kết cấu thép. Tuy nhiên, phương án này sẽ không xỷ lý được triệt để hiện tượng nứt dọc do bản thép bị suy giảm khả năng chịu tải.
Phương án 3 cho hàn lưới thép trên bản thép mặt cầu, sau đó làm lớp dính bám như phương án 1 và thảm bê tông nhựa. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại trong quá trình hàn phát sinh nhiệt có thể làm biến dạng bản thép.
Tổng cục ĐBVN cũng cho biết đã liên hệ với một đối tác Nga đề nghị hợp tác. Hiện các chuyên gia Nga đang nghiên cứu hồ sơ để đưa ra giải pháp sơ bộ.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng có tổng chiều dài 3,116 km, được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9-5-1985, là công trình thế kỉ của tình hữu nghị Việt-Xô. Sau một thời gian dài sử dụng, cầu đã xuất hiện hư hỏng gây cản trở giao thông và nguy cơ mất an toàn. Cây cầu này đã qua 2 đợt sửa chữa, đợt 1 vào năm 2009 đợt 2 vào giai đoạn 2012-2014. Tuy nhiên, các vết nứt mặt cầu vẫn không được khắc phục triệt để, thậm chí nhiều vết nứt xuất hiện trở lại khi chưa hết thời hạn bảo hành sau sửa chữa. Hiện bề mặt cầu đang tiếp tục xuống cấp và đang phải sửa chữa cục bộ để đảm bảo an toàn giao thông. |