Nhớ chú Tư Triết - Người nối nhịp cầu bang giao thương mại

Có lần trong câu chuyện vui, chú Tư Triết kể rằng, trước khi tập kết ra Bắc, ông có mấy năm hoạt động trong ngành quân giới Tây Nam bộ, đóng ở U Minh. Bấy giờ, đồng đội gọi chú là “Bộ trưởng manivelle”, phụ trách cần quay để khởi động máy nổ. Không ngờ sau này, chú Tư Triết trở thành một bộ trưởng thực thụ - Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết.

1. Chú Tư Triết (tên thân mật của chú Lê Văn Triết) quê ở Mỹ Tho, lúc nhỏ nhờ gia đình tạo điều kiện nên được đi học và sử dụng tiếng Pháp thành thạo. Trong lần thi vào Trường Collège Mỹ Tho, chú đứng hạng 3/52 người trúng tuyển.

R7a.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng đến đồng chí Lê Văn Triết, năm 2023. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, Lê Văn Triết tham gia hoạt động cách mạng lúc 16 tuổi. Bấy giờ, vào đầu năm 1946, giặc Pháp trở lại, đàn áp và khủng bố gắt gao. Hình ảnh những người kháng chiến và người dân vô tội bị lấy dây kẽm xỏ vào tay cho xuống xà lan đưa ra cửa sông Bảo Định nhận chìm, xác người trôi lềnh bềnh trên sông như bập dừa nước… in sâu vào tuổi thơ Lê Văn Triết. Lúc mới tham gia cách mạng, Lê Văn Triết làm ở Ủy ban Kháng chiến Mỹ Tho, sau đó được đi học tại Trường Huỳnh Phan Hộ hai năm, rồi vào Ban Quân giới.

Năm 1954, Lê Văn Triết tập kết ra Bắc, về tiếp quản Xưởng cơ khí, hóa chất Hà Nội. Làm việc không lâu thì Lê Văn Triết được gọi tập trung đi học tiếng Nga để chuẩn bị sang Liên Xô học. Nhờ có thời gian tự học tiếng Nga qua tiếng Pháp nên Lê Văn Triết tiếp thu khá nhanh. Một hôm, được thông báo, Lê Văn Triết cùng nhiều người khác ăn mặc gọn gàng rồi có xe chở thẳng đến Phủ Chủ tịch. Vừa tới nơi, tất cả reo lên khi nhìn thấy Bác Hồ. Lê Văn Triết được ngồi hàng trên và may mắn được nói chuyện với Bác bằng tiếng Nga. Hôm ấy, Bác thăm hỏi và nói chuyện khoảng hai tiếng đồng hồ, Bác dạy nhiều thứ từ ăn uống, cách chống lạnh, cách ứng xử…

Sau chương trình học hai năm về kỹ thuật chế tạo máy, Lê Văn Triết về làm việc ở Nhà máy Cơ khí Hà Nội - nhà máy cơ khí hiện đại của khu vực lúc bấy giờ. Với tất cả sự hăm hở, phấn đấu đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, Lê Văn Triết được bầu làm Bí thư Đoàn của nhà máy, tham gia Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, sau đó vào Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.

2. Năm 1975, chú Tư Triết đã là Thứ trưởng Bộ Cơ khí luyện kim, tiếp tục làm việc trên đất Bắc. Sau đó, chú được đưa đi đào tạo ở Viện Hàn lâm kinh tế Liên Xô. Năm 1983, chú Tư Triết được Thành ủy TPHCM xin về và được bầu vào Ban Thường vụ, làm Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, sau này là Phó Bí thư Thành ủy. Chú Tư Triết chia sẻ, khi làm việc ở TPHCM, có hai việc đáng nhớ nhất, đó là làm con đường Nhà Bè - Cần Giờ cùng với việc trồng lại rừng đước nơi đây, và những chỉ đạo để sản xuất bung ra phát triển.

Ngay sau khi Cần Giờ được giao về cho TPHCM, một trong những công trình mà lãnh đạo thành phố triển khai sớm là làm con đường hơn 30km và trồng lại rừng đước 30.000ha. Việc làm đường bấy giờ chủ yếu là huy động sức người. Do nền đất yếu nên phải liên tục gia cố, người dân phải lấy đất nung bỏ xuống rất nhiều. Nhờ có sự tham gia của các quận, huyện, các nông trường, lực lượng thanh niên xung phong và lực lượng do Thành đoàn TPHCM huy động, con đường sớm hoàn thành.

Về TPHCM trong những năm sản xuất còn đình đốn, chú Tư Triết cùng lãnh đạo thành phố từng bước tháo gỡ khó khăn. Trong quá trình nghiên cứu chính sách, nhờ biết dựa vào dân, chú dành thời gian lắng nghe, bàn bạc với Hiệp hội Công thương, Hội Trí thức yêu nước, các ban, ngành, quận, huyện, cơ sở và người sản xuất…; nên khi chú trình bày với Thành ủy những đề xuất chủ trương nhằm tạo điều kiện phát triển sức sản xuất thì đã nhận được sự nhất trí cao. Một khi có chủ trương đúng, được người dân đón nhận, không khí làm ăn sôi động khác hẳn, nhiều người đi tìm lại máy móc cũ có thể còn dùng được. Từ đây, người dân được quyền tự quyết định sản xuất cái gì, tự quyết định giá cả sản phẩm làm ra, thuận mua - vừa bán, được thuê 15 công nhân, lợi nhuận nộp cho nhà nước ở mức thấp hơn thu quốc doanh trước đây…

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, chú Tư Triết được tiếp tục là Ủy viên Trung ương Đảng, và sau đó được điều động làm Thứ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại. Không lâu sau, chú giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, sau này đổi tên là Bộ Thương mại. Chú kể, lần xuất khẩu gạo đầu tiên và ngay năm đó đã xuất khẩu được cả triệu tấn. Lúc bấy giờ, một số tỉnh phía Bắc còn khó khăn về lương thực nhưng có thể giải quyết được; và một số tỉnh, thành phố phía Nam như Long An, An Giang, TPHCM… muốn xin xuất khẩu để có ngoại tệ, thúc đẩy sản xuất phát triển. Chú Tư Triết xin gặp đồng chí Phạm Hùng báo cáo việc này và được đồng ý sau khi kiểm tra tình hình.

3. Khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, nguồn thiết bị, nguyên vật liệu quan trọng chủ yếu nhập bằng vay nợ và viện trợ không còn. Lúc bấy giờ, nước ta có quan hệ làm ăn (còn ở bước đầu) với Singapore, Thái Lan…, Thủ tướng Võ Văn Kiệt triệu tập hai bộ trưởng Lê Văn Triết và Nguyễn Mạnh Cầm đến bàn bạc, tìm cách tháo gỡ, khuyến khích xuất nhập khẩu trực tiếp của các doanh nhiệp, các địa phương, các thành phần kinh tế.

Khi Quốc hội khóa IX thông qua Luật Thương mại năm 1997, đã tạo hành lang pháp lý bước đầu cho hoạt động xuất nhập khẩu và sau này được tiếp tục sửa đổi để ngày càng thuận lợi hơn cho người dân. Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết đã có nhiều đóng góp trong quá trình chuẩn bị và sửa đổi dự án luật này. Đây là dự án luật làm giảm sự can thiệp của Nhà nước, từ chỗ xuất nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại được thay đổi thông thoáng hơn để mọi thành phần đều tham gia hoạt động xuất nhập khẩu và từng bước hội nhập quốc tế.

Với vai trò Bộ trưởng Bộ Thương mại, chú Tư Triết có điều kiện thiết lập mối quan hệ với những người đồng cấp ở nhiều nước, kể cả lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế. Bức hình chiếc cầu dây văng Mỹ Thuận được phóng lớn, phía dưới có ký tên các nhà lãnh đạo của Australia tặng chú lúc khánh thành cầu được đặt ở một nơi trang trọng trong phòng khách nhà chú, là một kết quả về sự đóng góp của chú trong sứ mệnh làm cầu nối bang giao.

Chú Tư Triết đã cùng với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm có nhiều chuyến đi đàm phán về xây dựng quan hệ Việt - Mỹ và những bước chuẩn bị để Việt Nam gia nhập WTO. Chú cũng là người nối nhịp cầu cho những cuộc bang giao của lãnh đạo Việt Nam và các nước từ việc làm ăn, buôn bán…

Giờ thì chú Tư Triết đã ra đi, nhưng hình ảnh một nhà lãnh đạo TPHCM một thời gian khó, một bộ trưởng năng động, thẳng thắn, hết lòng vì việc chung trong Chính phủ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn được người dân nhớ thương, kính trọng.

Tin cùng chuyên mục