1. Chú Sáu được sinh ra ở vùng đất Giá Rai, Bạc Liêu trong một gia đình nông dân nghèo. Lúc nhỏ ham học nhưng sau khi học xong lớp 3 đành phải thôi học vì không đủ tiền lên quận học tiếp, từng có ước mơ được ông tiên giúp hết khổ, hết nghèo.
Chú Sáu Hậu (Lê Phước Thọ) là hình ảnh của thế hệ lãnh đạo tiêu biểu, có sức thuyết phục bởi tài, đức vẹn toàn |
Cuối năm 1940, có cán bộ Việt Minh về làng, trong số đó có người là bà con. Từ đây những câu hỏi lớn như làm thế nào để đổi đời, để không còn bị áp bức, bất công… đã có lời đáp. Năm 1945, chú Sáu tham gia cướp chính quyền trong tổ chức Thanh niên Tiền phong tại làng Phong Thạnh Tây, vào lực lượng dân quân tự vệ, làm ấp đội rồi văn phòng Ủy ban kháng chiến hành chính xã. Năm 1949, chú Sáu được kết nạp vào Đảng và có nhiều năm làm Bí thư xã. Sau đó, được phân công làm Bí thư Huyện ủy Hồng Dân và Long Phú. Cuối năm 1967 được bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần lượt phụ trách công tác an ninh, quân sự, 1971 giữ trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng. Đây là thời kỳ địch tiến hành “bình định” cấp tốc, chiếm đất, giành dân với ta. Trong thời gian ngắn, chúng chiếm lại hầu hết các vùng nông thôn giải phóng, các căn cứ của Tỉnh ủy, Huyện ủy và các xã đều bị đánh phá.
Với kinh nghiệm, bản lĩnh của người cán bộ gắn bó với nhân dân, lăn lộn trong phong trào từ cơ sở, chú Sáu đã bám trụ, xây dựng lực lượng tại chỗ, được nhân dân đùm bọc, che chở. Không bao lâu, thế và lực ta phát triển, liên tục nổi dậy tấn công khắp nơi và ngay trong sào huyệt của địch. Kết hợp nhuần nhuyễn phương châm tấn công địch bằng “hai chân, ba mũi”. Có lúc, địch mở chiến dịch càn quét dài ngày ở vùng đồng bằng, ta cũng đã kiên cường đánh trả hàng tháng trời làm cho chúng thất bại nặng nề. Là người có khả năng tập hợp, chú Sáu đã thành công khi phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa… của Sóc Trăng, luôn kề vai sát cánh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
2. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những năm làm Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, chú Sáu luôn gắn với trường Đại học Cần Thơ và mời gọi các nhà khoa học của cả nước cùng tìm cách phát huy thế mạnh về nông nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực. Nhờ vậy, năng suất, sản lượng nông sản của Hậu Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn dần dần thay đổi. Vì thế, khi được phân công làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, năm 1986, chú Sáu đã dành thời gian đi các vùng miền, lắng nghe ý kiến người lao động, các chuyên gia, các nhà khoa học nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế đổi mới kinh tế nông nghiệp, tham mưu đề xuất với Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 10, năm 1988 (người dân quen gọi là khoán 10), giúp giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp, khẳng định mô hình kinh tế hộ gia đình phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất lúc bấy giờ. Đây thật sự là Nghị quyết của ý Đảng, lòng dân.
Năm 1991, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, chú Sáu được bầu vào Bộ Chính trị, được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Với tất cả sự trăn trở trước nhiều vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng Đảng, nhất là khi Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, chú Sáu đã thể hiện sự sâu sát, lắng nghe tiếng nói nhiều chiều, đánh giá đúng tình hình, làm tốt công tác tham mưu về xây dựng Đảng. Trong đó quan tâm công tác cán bộ, từ việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, sử dụng, luân chuyển, khen thưởng kỷ luật… nhất là việc đánh giá cán bộ. Không có vấn đề chạy chức, chạy quyền đặt ra khi mà người đứng đầu công tâm, khách quan, liêm khiết, chín chắn. Chú Sáu được mọi người nể trọng bởi sự trong sáng, chân thành, nói ít, nghe nhiều, xử lý công việc chắc chắn, thận trọng vì công việc liên quan đến sinh mệnh chính trị con người. Chú Sáu đã coi trọng và chỉ đạo việc tổ chức tổng kết kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng - 20 năm sau ngày giải phóng và đề xuất những vấn đề phù hợp với bước chuyển của giai đoạn mới.
3. Năm 1996, chú Sáu thôi giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và còn tiếp tục cùng chú Võ Văn Kiệt tham gia công trình tổng kết “Lịch sử Nam bộ kháng chiến”, một số công trình nghiên cứu, cũng như thường xuyên góp ý cho Đảng, nhất là những vấn đề còn nhiều trăn trở về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay.
Chú Sáu là một nhà lãnh đạo sống giản dị, nghĩa tình. Những người làm việc chung cho rằng hầu như không thấy chú rầy la, nặng lời với ai, đặc biệt luôn chia sẻ, động viên những đồng chí chí cốt có hoàn cảnh khó khăn. Chú Sáu là người nêu tấm gương về sự mẫu mực, liêm khiết, cả trong lúc làm việc và lúc về hưu. Ông vẫn thế, với cuộc sống không đòi hỏi thiệt hơn về chế độ phục vụ, xe cộ đi lại… Ở tuổi ngoài 90, vẫn tự mình trồng rau cải thiện và cùng thím Sáu làm các công việc nhà. Thỉnh thoảng còn đem hương vị quê hương, cả rau xanh tự trồng lên TPHCM cho các con làm món ăn đãi những cán bộ dưới quyền của mình ngày trước.
Khi thím Sáu không còn, các con, các cháu đi lại thăm ông nhiều hơn và ông vẫn đi thăm con cháu, người thân… Tấm lòng, tình thương nơi ông lan tỏa sự ấm áp, tin yêu, lan tỏa biết bao điều về cốt cách một con người, hiện thân của một thế hệ lãnh đạo dấn thân, vì dân và gần dân.
Chân tình, mộc mạc mà bản lĩnh, quyết đoán. Lý lịch ít bằng cấp nhưng kinh nghiệm, tầm nhìn và sự đánh giá sâu sắc làm người khác nể phục, chú Sáu Hậu là tấm gương sáng đẹp về nhân cách của một nhà lãnh đạo, của một con người.
Chú Sáu ra đi thanh thản. Xin kính cẩn tiễn biệt chú Sáu!
THÔNG BÁO LỄ TANG ĐỒNG CHÍ LÊ PHƯỚC THỌ (Sáu Hậu)
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Lễ tang Nhà nước gồm 28 đồng chí; do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng ban.
Linh cữu đồng chí Lê Phước Thọ quàn tại Hội trường Thành ủy Cần Thơ, số 1 đường Quang Trung, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Lễ viếng được tổ chức vào hồi 8 giờ, thứ sáu, ngày 7-7-2023 (tức ngày 20 tháng 5 năm Quý Mão).
Lễ truy điệu vào hồi 6 giờ, chủ nhật, ngày 9-7-2023. Sau đó là lễ đưa tang và lễ an táng tại nghĩa trang quê nhà ấp 5, xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
BAN LỄ TANG